Thực trạng và giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

(Mặt trận) - Đánh giá chung về kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững của Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh tới 11 kết quả đáng lưu ý và những giải pháp trong triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó nêu rõ Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội đánh dấu giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi mục tiêu giảm nghèo, đó là từ giảm nghèo đơn chiều sang giảm nghèo đa chiều, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Ảnh minh họa 

Thứ nhất, Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội đánh dấu giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi mục tiêu giảm nghèo, đó là từ giảm nghèo đơn chiều (thu nhập) trước năm 2016, giảm nghèo tiếp cận đa chiều trước năm 2022 sang giảm nghèo đa chiều, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, do đó, có nhiều yêu cầu, mục tiêu của 3 CTMTQG giai đoạn này đều cao hơn nhiều so với các giai đoạn trước.

Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả bước đầu, nhất là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Thứ ba, việc xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ vốn chưa đáp ứng được nhu cầu đề xuất của các bộ ngành địa phương. CTMTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí kinh phí thực hiện tối thiểu 75.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 24 của Quốc hội, Thứ tư, sau 2 năm triển khai thực hiện 3 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững, (i) việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, quản lý và triển khai ở cả trung ương và địa phương còn có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, tuy nhiên việc tháo gỡ, xử lý đã được triển khai nhưng còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện 71/CĐ-TTg.

Nguyên nhân chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật phải có một thời gian nhất định để tiến hành các quy trình, thủ tục xây dựng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các khó khăn vướng mắc có nội dung phức tạp; sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa kịp thời, đồng bộ; (ii) nguồn vốn trung ương các năm 2021, 2022 bố trí chậm, chưa kịp thời dẫn đến việc chuyển nguồn khá lớn sang năm 2023, cùng với nguồn vốn bố trí cho năm 2023, tạo áp lực đối với việc triển khai, giải ngân trong năm 2023; (iii) Công tác lập dự án đầu tư, thẩm định dự án đầu tư của nhiều địa phương, bộ ngành còn có những hạn chế nhất định, do đó, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính khiến cho việc triển khai dự án, giải ngân bị chậm; (iv) kết quả việc triển khai giải ngân vốn từ nguồn ngân sách trung ương còn hạn chế, cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp; bố trí vốn sự nghiệp còn thấp, chưa cân đối giữa các năm, có xu hướng dồn vào những năm cuối thực hiện Chương trình; trong 6 tháng đầu năm 2023 việc giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp do văn bản quy phạm pháp luật có liên quan vẫn còn vướng mắc, chậm được sửa đổi, bổ sung; tỷ lệ bố trí vốn đối ứng, huy động vốn hợp pháp khác còn thấp do địa bàn thực hiện CTMTQG chủ yếu là huyện nghèo, xã nghèo, đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, (v) số lượng dự án đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn khá nhiều, suất đầu tư thấp, dẫn đến dàn trải, chưa thật sự đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững; (vi) quy trình, thủ tục để triển khai dự án đầu tư phát triển theo Luật Đầu tư công và hồ sơ, thủ tục vay vốn, mức vốn vay tín dụng chính sách xã hội cần tiếp tục được rà soát tinh giản, đơn giản hóa, tạo thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng yếu thế là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, nhất là trong các khoản vay trung hạn, dài hạn như hỗ trợ nhà ở, dự án phát triển sản xuất; (vii) năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong xây dựng, triển khai các dự án đầu tư công, lồng ghép vốn, áp dụng các cơ chế đặc thù… trong khi số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững nói riêng và 2 CTMTQG còn lại còn nhiều và phức tạp.

Thứ năm, những cơ chế, yêu cầu mới như (i) lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các CTMTQG, (ii) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; (iii) cơ chế đặc thù trong quản lý, triển khai các công trình, dự án; (iv) đầu tư trọng tâm, trọng điểm, bền vững; (v) cải cách thủ tục hành chính; (vi) xây dựng tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa, cụ thể hóa nâng cao tính khả thi, sát thực tiễn.

Thứ sáu, nguồn vốn từ ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan, đến năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp trung ương, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác tuy đã bố trí song tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch vốn quy định tại Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội.

Do đó, cần sớm có giải pháp thúc đẩy việc bố trí, huy động các nguồn vốn này đạt kế hoạch đã đề ra. Giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội không được bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn dành riêng cho thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, do đó, chưa đảm bảo tính ổn định, bền vững về cơ cấu nguồn vốn (nguồn vốn ngắn hạn của NHCSXH chiếm 58% tổng nguồn vốn trong khi dư nợ cho vay chủ yếu là trung, dài hạn chiếm 99% tổng dư nợ).

Thứ bảy, CTMTQG giảm nghèo bền vững đang có những khó khăn về giải ngân vốn và có xu hướng giải ngân thấp nhất trong 3 CTMTQG.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đến ngày 31 tháng 7 năm 2023 cụ thể như sau: Đối với nguồn vốn của năm 2023: (i) Giải ngân nguồn vốn của năm 2023 đạt tỷ lệ 37,8% kế hoạch giao năm 2023, trong đó: 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%; (ii) Giải ngân của CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ cao nhất với 51% kế hoạch giao năm 2023; giải ngân của CTMTQG giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ thấp nhất với 37,3% kế hoạch giao năm 2023; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân có sự cải thiện với 39,6% kế hoạch giao năm 2023.

Thứ tám, đến cuối năm 2025 sẽ có 22/74 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo theo Quyết định số 880/QĐ-TTg (2022) của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 16 xã trên tổng số 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, qua đi thực tế cho thấy, các tiêu chí nông thôn mới gắn với mục tiêu phát triển bền vững còn chưa ổn định và nâng cao, nhất là các tiêu chí: 10 về thu nhập, 11 về nghèo đa chiều, 9 về nhà ở dân cư, 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong khi các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không tiếp tục được Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, điều kiện sinh hoạt, tín dụng chính sách xã hội… Điều này đặt ra vấn đề về việc đảm bảo cuộc sống của người dân tại các địa bàn này cần được thực sự được cải thiện, nâng cao một cách bền vững sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ chín, mục tiêu của Chương trình là giảm nghèo bền vững, do vậy, cần chú trọng khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân một cách thực chất trong triển khai các hoạt động của Chương trình. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung tuyên truyền, vận động, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Thứ mười, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ cần sớm chỉ đạo xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động , từ đó, xác định trúng, đúng các nguyên nhân nghèo đói, đề xuất các giải pháp khả thi, đầu tư nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Mười một, để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, giảm tối đa tỷ lệ tái nghèo, bên cạnh việc quan tâm đến các nhóm yếu thế là người nghèo, cận nghèo thì cần có chính sách xã hội, nhất là chính sách tín dụng xã hội (ưu đãi vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm) đối với các hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.