Thừa Thiên Huế: Lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

(Mặt trận) -Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã nghiêm túc triển khai các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK). Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện phong trào thi đua “DVK”...

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Tuyên dương các điển hình dân vận khéo năm 2023

Khơi dậy sức dân

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài, các mô hình, điển hình trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua DVK đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; huy động nguồn lực trong Nhân dân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, tham gia công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như: “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp”, mô hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”… của các tổ chức CT-XH trên địa bàn tỉnh với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đã hỗ trợ đoàn viên, hội viên trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững (GNBV).

Qua đó đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện mô hình DVK trên lĩnh vực kinh tế như anh Trương Minh Hào với mô hình "Nhà màng, nhà lưới thủy canh" ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông với thu nhập bình quân mang lại 150 triệu đồng/1.000m2. Chị Nguyễn Thị Bé Ba ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với mô hình hợp tác xã sản xuất nước mắm truyền thống doanh thu khoảng 2,3 tỷ đồng/năm. Đồng thời, thông qua các mô hình DVK trong lĩnh vực kinh tế đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, cũng như hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hộ gia đình phát triển sản xuất, tăng thu nhập, GNBV.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động Nhân dân hiến đất, hiến cây, phá dỡ hàng rào, giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông, xây dựng các công trình cũng như đóng góp bằng tiền mặt, huy động ngày công... Từ nguồn đóng góp, ủng hộ của Nhân dân và nguồn lực của Nhà nước đã đầu tư nhiều hạng mục công trình, góp phần xây dựng NTM, ĐTVM.

Trong đó, có nhiều cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực thực hiện phong trào thi đua DVK trong xây dựng NTM, ĐTVM như ông Nguyễn Ngọc Từ ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang với 8 nhiệm kỳ làm trưởng thôn đã vận động Nhân dân ủng hộ, đóng góp xây dựng các công trình góp phần xây dựng NTM với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Ông Hồng Quảng Bửu ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc đã huy động xây dựng cổng làng văn hóa trị giá 170 triệu đồng, vận động Nhân dân đóng góp xây dựng tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an” với tổng kinh phí 180 triệu đồng; xây dựng khu vui chơi thể dục, thể thao với số tiền 100 triệu đồng. Ông Lê Thanh Khâu ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hiến trên 1,2ha đất để xây dựng các tuyến đường dân sinh, công trình và hệ thống kênh mương, đóng góp hàng trăm ngày công; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng đèn đường thắp sáng với tổng kinh phí đóng góp 200 triệu đồng.

Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, GNBV, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển, việc phát huy vai trò các mô hình DVK cũng được chú trọng. Tiêu biểu như mô hình “Nuôi heo đất”; “Hũ gạo tình thương”, “Nồi cơm yêu thương”, “Tủ mỳ 0 đồng”…

Nhân rộng và lan tỏa

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tuyên dương 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua DVK năm 2023. Mỗi câu chuyện của cán bộ dân vận cơ sở là những chia sẻ, kinh nghiệm, tâm huyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, triển khai phong trào thi đua DVK tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó đã góp phần làm sâu sắc hơn hình ảnh người làm công tác dân vận ở cơ sở. Họ là những bông hoa nhỏ trong hàng ngàn, hàng vạn bông hoa tươi thắm trong vườn hoa DVK trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, với sự nỗ lực của cấp ủy, hệ thống chính quyền, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, lan tỏa trên mọi mặt đời sống đạt nhiều kết quả khích lệ, đáng phấn khởi. Công tác dân vận đã khơi dậy sức dân, tạo động lực quan trong thúc đẩy các phong trào trong tỉnh và quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân trong công tác GNBV, phong trào Dòng họ làng bản không có hộ nghèo được triển khai sâu rộng, hiệu quả; tạo sự đồng lòng của người dân trong công tác di dân, giải phóng Kinh thành Huế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, công tác dân vận bước sang giai đoạn mới cần phải tiếp tục giữ vững kết quả, đổi mới phương thức để đạt kết quả cao hơn. Đặc biệt khi toàn tỉnh đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nên vai trò công tác dân vận càng quan trọng. Các cán bộ làm dân vận, cần tự hào hơn với công việc của mình, có trách nhiệm và tự tin hơn, chuẩn bị đủ tâm thế khi là công dân của thành phố trực thuộc Trung ương.

Để làm được điều trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải nhận thức được công tác dân vận là của mọi ngành, mọi nơi, lồng ghép dân vận vào mọi công tác; xây dựng đội ngũ cán bộ làm dân vận cơ sở chuyên nghiệp, bài bản, làm việc khoa học, có phương pháp, theo quy chế, quy định; để phong trào dân vận đồng bộ, yêu cầu người đứng đầu phải gương mẫu; tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo.

V.B