Thừa Thiên Huế hướng tới giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị

(Mặt trận) - Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, đòi hỏi chính quyền địa phương cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trao hỗ trợ con giống cho bà con huyện miền núi A Lưới. Ảnh: H. Phúc 

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có những cách làm hay, hiệu quả trong vận động hỗ trợ, tạo sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững...

Trao "cần câu"

Đến thăm mô hình kinh tế gò đồi của bà Nguyễn Thị Ba (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), không ai nghĩ rằng trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Với số vốn tích luỹ được sau thời gian làm nghề chăm sóc, khai thác rừng thuê, bà vay thêm từ Hội Nông dân để mua rừng và tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC... Nhờ mô hình này, thu nhập hàng năm của gia đình lên tới hàng tỷ đồng và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi được Trung ương Hội Nông dân khen thưởng.

Cũng giống như bà Nguyễn Thị Ba, từ một hộ nghèo nhất thôn, nhờ được địa phương hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương (gần 80 triệu đồng) và giống cây ăn quả để phát triển kinh tế vườn đồi, gia đình chị Phan Thị Nhung (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) đã từng bước vươn lên thoát nghèo… Lãnh đạo xã Lộc Điền cho biết, triển khai công tác giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, địa phương đã tập trung vào nhóm giải pháp về nhà ở, điều kiện sản xuất, thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Qua đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, hỗ trợ, lồng ghép giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội chung của địa phương.

Còn với hộ chị Phạm Thị Thiếp (xã Trung Sơn, huyện A Lưới), “gia tài” của gia đình chị hiện nay không còn là mái tranh tạm bợ mà là ngôi nhà cấp 4 khang trang, đàn bò 13 con, khoảng 6ha rừng; thu nhập gần 250 triệu đồng/năm. Cũng như chị Thiếp, sau khi được sự giúp sức từ chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, anh Hồ Văn Lợi (người dân tộc Pa Cô, xã Đông Sơn) đã mạnh dạn trồng rừng, nuôi bò và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. "Đến nay, thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm", anh Lợi vui mừng chia sẻ.

Lãnh đạo UBND xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết: dù là xã biên giới với 100% đồng bào dân tộc thiểu số, song nhờ triển khai đồng bộ các chính sách nên đến nay số hộ làm ăn khấm khá trên địa bàn trên tăng lên đáng kể. Không ít hộ sở hữu vài hecta rừng, phát triển chăn nuôi, mở rộng kinh doanh và làm thêm nghề thủ công truyền thống đã tạo sự thay đổi rõ nét cho bộ mặt nông thôn miền núi ở địa phương.

Nhiều cách làm sáng tạo

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp cận tốt hơn từ các dịch vụ xã hội cơ bản đến chính sách như: tín dụng ưu đãi, BHYT, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… Đáng chú ý, nhiều địa phương đã có những cách làm hay và mới giúp các hộ thoát nghèo. Các xã, phường, thị trấn trên cơ sở nắm chắc số hộ nghèo, cận nghèo, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhu cầu hỗ trợ của người nghèo về vốn, học nghề, tạo việc làm… cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng hộ.   

Phương thức hỗ trợ người nghèo ở các địa phương cũng dần thay đổi. Tiêu chí đặt ra của các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là ưu tiên tạo sinh kế, hạn chế “cho không” và tập trung xóa các thiếu hụt cụ thể của từng hộ. Các xã nghèo vùng cao thì chú trọng tập huấn, hướng dẫn trực tiếp các mô hình phát triển sinh kế… Nhiều mô hình giảm nghèo trọng điểm đã được nhân rộng như: nuôi cá lồng, nuôi lợn nái (huyện Phong Điền); sản xuất nông nghiệp tổng hợp (huyện Quảng Điền); nuôi cá hồng Mỹ, cá vẩu, gà thả vườn, cá nước ngọt (huyện Phú Vang); nuôi gà trên đệm lót sinh học (huyện Phú Lộc)… Để tránh phát sinh hộ nghèo mới, các địa phương cũng kịp thời hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động ở các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19; hỗ trợ khẩn cấp cho người dân gặp rủi ro, thiên tai từ nguồn ngân sách nhà nước và mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng cho biết: trong 5 năm qua, nguồn lực tỉnh huy động được để thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn DTTS đạt hơn 50 tỷ đồng với gần 6.000 hộ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, nguồn vốn bố trí cho 9 điểm định canh định cư là gần 100 tỷ đồng. Trong đó, đã có 3 dự án cơ bản hoàn thành đưa dân về sinh sống ổn định, gồm các dự án ở thôn Tà Rỵ, xã Hữu Hương; thôn Ta Rinh, xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) và dự án định canh, định cư Khe Bùn, xã A Ngo (huyện A Lưới).

Theo Giám đốc Sở LĐ, TB và XH tỉnh Đặng Hữu Phúc, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm (từ 8,36% năm 2016 giảm còn 3,45% năm 2020). Tỷ lệ giảm bình quân hàng năm đạt 0,98% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 0,87%/năm và nghị quyết Tỉnh ủy giao 0,9%/năm). Đặc biệt, tỷ lệ giảm bình quân hộ nghèo người DTTS đạt 3,45%/năm… Công tác xã hội hóa, huy động, trợ giúp các xã nghèo đạt hiệu quả tích cực. Phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của chính quyền cơ sở, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.