Thêm gắn kết cộng đồng từ Ngày hội Ðại đoàn kết

(Mặt trận) -Những ngày này ở các khu dân cư từ bản mường vùng cao tới phố phường vùng thấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều nô nức, rộn ràng tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự quan tâm chu đáo của cấp ủy, chính quyền cơ sở và hệ thống MTTQ các cấp, ngày hội đã trở thành “liều thuốc tinh thần” đối với người dân ở các khu dân cư, thêm chắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

 Người dân bản Nậm Vì, xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé, Điện Biên) cam kết thực hiện đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Với phương châm thiết thực, đoàn kết, tránh hình thức, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân dộc ở tổ dân phố 6, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) năm nay được tổ chức tại Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên (đứng chân trên địa bàn). Do được phường Thanh Bình chọn tổ chức điểm nên thay vì tổ chức ở hội trường tổ dân phố như mọi năm thì việc mượn địa điểm tổ chức thêm rộng rãi để các đại biểu tới dự, chúc mừng và các hộ dân trên địa bàn tới đông đủ. Không khí ngày hội vô cùng náo nhiệt, rộn ràng. Bà Ðinh Thị Kim Dung, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố 6 cho biết: Toàn phố có 188 hộ với gần 600 khẩu, đời sống của người dân cơ bản đều có kinh tế khấm khá so với mặt bằng chung của thành phố. Ðịa bàn phố 6 là nơi làm việc của khá nhiều cơ quan, đơn vị; song không vì thế mà mất đi ý nghĩa truyền thống của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.  Từ cấp ủy, chính quyền các cấp cho tới hệ thống MTTQ đều quan tâm chu đáo cho việc tổ chức ngày hội. Hàng ngày mỗi người một công việc, người vì mưu sinh đi xa làm ăn; song việc tổ chức ngày hội vào ngày nghỉ (thứ 7) nên hầu hết gia đình nào cũng có người tham dự. Với ý nghĩa của ngày hội vừa là ôn lại ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) vừa là dịp giao lưu, gặp gỡ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nên bà con ai cũng háo hức, phấn khởi. Ðặc biệt thông qua các tiết mục ca múa “cây nhà lá vườn” do chính người dân trên địa bàn tham gia càng thể hiện sự gắn kết, hòa đồng trong sinh hoạt, cuộc sống.

Ở vùng thấp hay vùng cao, các khu dân cư thì trong Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp gặp gỡ, thăm hỏi, động viên mà còn là dịp bà con được quần tụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Từ việc chuẩn bị các món ăn cho tới luyện tập, biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ tại ngày hội cũng được chuẩn bị trước đó cả tuần, thậm chí từ nhiều tuần trước đó. Bán Chá, xã Quài Nưa được huyện Tuần Giáo chọn tổ chức điểm ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020 của huyện. Ðây là ngày hội có ý nghĩa với người dân bản Chá bởi đây là năm đầu tiên tổ chức ngày hội sau sáp nhập. Bản Chá là nơi sinh sống của 92 hộ thuộc 3 dân tộc Thái, Mông và Kinh sau khi sáp nhập bản Quang Vinh vào bản Chá (đầu năm 2020). Sau nhiều tháng sinh hoạt chung, hội họp chung nhưng với người bản Chá đây là lần đầu tiên bà con có mặt đông đủ tới như vậy. Mọi khoảng cách về văn hóa, phong tục tập quán không còn khi nắm tay nhau vui trong điệu xòe ngày càng nới rộng, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm đoàn kết và chung chén rượu ấm tình làng xóm. Ông Cà Văn Chương, Trưởng bản Chá cho biết, dù còn nhiều khó khăn, song người dân bản Chá sau sáp nhập luôn đoàn kết, động viên nhau làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Với bản tính cần cù, chịu khó; người bản Chá không ngừng học hỏi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi; đưa giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất từng bước tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Có mặt đông đủ trong ngày hội đại đoàn kết, bà con dân bản đều vui mừng chia sẻ và chúc mừng niềm vui với gia đình anh Cà Văn Hoàn, bởi ngày vui chung của bản, gia đình anh tận tay nhận được số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà “Ðại đoàn kết” từ Quỹ Vì người nghèo của huyện do Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lò Văn Cương trao. Trong niềm xúc động, anh Hoàn cho biết, số tiền nhận được hôm nay vô cùng ý nghĩa giúp gia đình anh có một mái ấm đúng nghĩa bao năm mong ước. Sự góp sức, hỗ trợ ngày công của bà con hàng xóm không chỉ đỡ đần gia đình anh bao việc trong cuộc sống mà nay lại giúp gia đình anh dựng nhà mới. Tấm chân tình của bà con trong bản, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ mặt trận thực sự là chỗ dựa vững chãi, tiếp thêm động lực để gia đình vươn lên.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt là nhận thức về vai trò, ý nghĩa của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc từ phía người dân không còn cách làm chiếu lệ, làm cho có mà các hoạt động trong ngày hội ở các khu dân cư đều được tổ chức rộn ràng, sôi động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Và để ngày hội thật sự có chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực, Ban công tác mặt trận tại khu dân cư luôn là người “thổi hồn” cho các phong trào, các hoạt động; nhất là các phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: Những năm gần đây, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng lên về mặt quy mô cũng như hình thức tổ chức, tại các khu dân cư nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức bữa cơm đoàn kết… được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua các hoạt động này tạo không khí vui tươi, gắn kết thêm tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận rộng rãi của toàn xã hội của nhân dân, giúp nhau trong cuộc sống. Niềm phấn khởi, tin tưởng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được nhân lên khi trong ngày hội có sự động viên, khích lệ của lãnh đạo các cấp đến tham dự, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, tạo sự gắn bó mật thiết, gần gũi giữa nhân dân với Ðảng, với chính quyền nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngay từ địa bàn dân cư.

Gia Kiệt