Thành phố Hồ Chí Minh: Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

(Mặt trận) - Với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình giảm nghèo bền vững và đã từng bước đưa nhiều hộ dân, gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Mặt trận Tổ quốc huyện Xuân Trường đoàn kết nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Mặt trận Tổ quốc xã Đông Lai: Phát huy vai trò tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ huyện Thường Xuân đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Các đơn vị phối hợp trao phương tiện sinh kế cho người dân nghèo trên địa bàn quận 8 

30 năm trước, chương trình xóa đói, giảm nghèo, nay là giảm nghèo bền vững, được khởi xướng tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều cách làm hay, thiết thực để nâng dần mức sống của người dân...

Nâng dần mức sống người nghèo

Chuyện thoát nghèo, vươn lên khá giả của gia đình ông Lại Văn Phong ở khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12 được nhiều người thán phục. Từ năm 2017 trở về trước, thu nhập của gia đình ông Phong phụ thuộc hoàn toàn vào khoảnh đất nhỏ trồng rau sau nhà, cuộc sống luôn trong cảnh thiếu thốn.

Được tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng, ông đầu tư hệ thống nhà lưới, vòi tưới tự động, tìm hiểu kỹ thuật,... để sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Dần dà, sản phẩm rau của gia đình ông Phong đã “lên kệ” tại các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Đến nay, diện tích canh tác rau sạch của gia đình ông Phong đã hơn 4.000m2 với mức thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Cơ sở trồng rau này còn giải quyết việc làm cho hơn 15 lao động tại địa phương.

Gia đình ông Lại Văn Phong là một trong số hàng chục nghìn hộ dân, cá nhân của thành phố đã từng phải chạy ăn từng bữa, nhưng bằng nghị lực cộng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu...

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố đưa vào danh sách hơn 67.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36% tổng hộ dân thành phố và hơn 48.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,41% tổng hộ dân thành phố. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp giảm nghèo, sau ba năm (2016-2018), thành phố đã có hơn 60.600 hộ nghèo thoát mức chuẩn hộ nghèo và hơn 58.700 hộ cận nghèo thoát mức chuẩn hộ cận nghèo; toàn thành phố còn lại hơn 3.700 hộ nghèo và hơn 22.800 hộ cận nghèo.

Giai đoạn 2019-2020, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, toàn thành phố còn hơn 3.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,13% tổng hộ dân thành phố và gần 15.200 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,62% tổng hộ dân thành phố. Có năm quận và 85 phường của 12 quận đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Các sản phẩm, mô hình sản xuất, kinh doanh-dịch vụ của người nghèo góp phần đáng kể trong kết quả phát triển kinh tế chung của thành phố, nhất là việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới với toàn bộ 56 xã đã hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo...

Phát huy truyền thống nghĩa tình

Trong chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo thành phố tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống. Theo ông Dương Anh Đức, thông qua chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi, tín dụng nhỏ; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ bảo hiểm xã hội, giáo dục;... Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Để đạt mục tiêu nêu trên, thành phố cần sớm khơi thông nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm năm 2021 và năm 2022 vì nhu cầu tiếp cận vốn để phát triển kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo là rất lớn.

Là địa phương khởi xướng chương trình giảm nghèo cách đây 30 năm, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xác định giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, là việc làm nhân nghĩa, lương tâm, trách nhiệm và đạo lý của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố.

Đề cập công tác giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhân dân thành phố có truyền thống đoàn kết, chia sẻ, bao bọc nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, đại dịch Covid-19 vừa qua là một thí dụ nổi bật nhất minh chứng cho điều đó. Thời gian tới, chương trình giảm nghèo bền vững cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt thông qua các giải pháp trước mắt và lâu dài. Thành phố cần phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực đã làm nên kết quả thời gian qua; đồng thời, ra sức khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém còn tồn tại, vướng mắc, từ đó đề ra những biện pháp hiệu quả, quyết liệt để xử lý.

Toàn hệ thống chính trị của thành phố phải tiếp tục xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, luôn nỗ lực hành động để đạt kết quả cao nhất. Các giải pháp về nâng cao chất lượng sống của người dân; giảm chi phí giáo dục đào tạo, y tế; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần; môi trường sống của người dân ở các khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động,... phải thường xuyên quan tâm. Thành phố cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tương thân, tương ái trong cộng đồng xã hội; tăng cường huy động cao nhất các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế; ưu tiên vốn, ngân sách đáp ứng yêu cầu của chương trình giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình nhà ở xã hội,...