Thành phố Cần Thơ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

(Mặt trận) - Là đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ không chỉ thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo xu thế nông nghiệp công nghệ cao mà còn gắn với tiến trình đô thị hóa, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả Vùng theo hướng nhanh và bền vững.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiểm tra các dự án tái định cư đang được triển khai trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy_Ảnh: TTXVN  

Thu hẹp khoảng cách nông thôn - đô thị 

 “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường” là mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thời gian qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Quan điểm nhất quán của Đảng bộ thành phố là tiến trình xây dựng nông thôn mới phải được giải quyết đồng bộ, song song với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và đến nay, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị.

Thành tựu nổi bật là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn được quan tâm đầu tư, từng bước kết nối với đô thị. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối các tuyến đường tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia và kết nối giao thông giữa các quận, huyện đến các vùng nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong tổng kinh phí thực hiện giao thông nông thôn thời gian qua, có trên 34% là do người dân đóng góp, với các hình thức như: hiến đất, góp vốn đầu tư, ngày công lao động... Cùng với hệ thống giao thông nông thôn, đến nay, 100% số xã được phủ sóng di động và có cáp quang đến trung tâm, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc; hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đến cuối năm 2020, tất cả 36 xã đều đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, sớm hơn một năm so với kế hoạch; đến cuối năm 2021, toàn thành phố có 17/36 xã được công nhận là “Xã nông thôn mới nâng cao”.

Kinh tế - xã hội nông thôn phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp cho các hộ nghèo ở khu vực nông thôn có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng hơn 2,65 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 5,62% (năm 2009) xuống còn 0,21% (năm 2021). Đến nay, tất cả các trạm y tế xã đã có bác sĩ khám và điều trị; tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; 100% số xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng. Thời gian qua, thành phố đã tăng cường liên kết với các viện, trường, các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn, với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và trong nước về hoạt động khoa học - công nghệ; đến nay đã xây dựng, hình thành 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 275 sản phẩm nông sản và thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng thu nhập cho nông hộ và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân ở khu vực nông thôn trong việc cung cấp và sử dụng nước sạch, thu gom, xử lý rác thải, khắc phục dần tình trạng ô nhiễm nguồn nước do hóa chất từ trồng trọt, chăn nuôi thải ra, góp phần cải thiện điều kiện sống và sức khỏe của người dân.

Hiện nay, các huyện đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng xã và các quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu về tiêu chí đánh giá xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Song song đó, thành phố tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái, từng bước phát triển nơi đây thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái, trung tâm bảo tồn cảnh quan vườn cây ăn trái; phát triển không gian sinh thái gắn với thiên nhiên sông, rạch, vườn cây ăn trái, là lá phổi xanh, cảnh quan đặc trưng của đô thị sông nước Cần Thơ.

Nhìn chung, qua hơn 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X (tháng 8-2008), “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, hơn 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiệt tình của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị trên địa bàn thành phố cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Đó là:

- Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị được thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể còn hạn chế; việc liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp còn ít, hiệu quả chưa cao.

- Nhiều vùng nông thôn tuy đã trở thành quận, phường nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn được quy hoạch, xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị; nhiều phường được nâng lên từ xã, đến nay kinh tế chủ yếu vẫn tập trung vào làm nghề nông.

- Đời sống của người dân nông thôn có nâng lên nhưng chưa bền vững; thu nhập của nông dân còn bấp bênh, sản xuất còn gặp nhiều rủi ro; khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ số của đa số nông dân còn hạn chế; tình trạng di cư khỏi khu vực nông thôn do thiếu việc làm vẫn còn diễn ra phổ biến.

- Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị ở nông thôn đã hình thành nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển không đồng bộ, chưa kết nối được với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn

Thành phố Cần Thơ - trung tâm kinh tế vùng Tây Nam Bộ sở hữu nhiều lợi thế phát triển đô thị quy mô lớn_Ảnh: vnexpress.net  

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị thời gian qua, Đảng bộ thành phố rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, sự thống nhất về ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân là nhân tố quan trọng để tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển đồng bộ, toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thứ hai, xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị có mối quan hệ biện chứng, là một quá trình không tách rời. Nông thôn mới tạo điều kiện để phát triển đô thị và đô thị tạo nền tảng vật chất quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng và phát triển nông thôn. Đô thị hóa nông thôn là một quá trình tất yếu, vì vậy, các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới phải được tính toán phù hợp với tiến trình đô thị hóa để hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn lực đầu tư.

Thứ ba, quan tâm huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cần chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất.

Thứ tư, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, dự án xây dựng nông thôn mới bảo đảm được tính kế thừa khi nông thôn phát triển lên đô thị. Để hỗ trợ cho quá trình này, cần có các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyển đổi nghề, triển khai có hiệu quả việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thiết chế văn hóa bảo đảm cho sự kết nối cộng đồng... để nông thôn vững vàng khi được nâng cấp lên đô thị.

Một số giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị thời gian tới

Ở nước ta, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, vì thế, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị là quá trình tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long”, với phương hướng là: “Phát triển hài hòa giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Trên cơ sở đó, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị:

Một là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch chung xây dựng cấp xã, huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phù hợp với quy định pháp luật, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Với các xã ở địa bàn nông thôn, sẽ xác định rõ lộ trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng đô thị phù hợp với lộ trình xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn để sử dụng hợp lý các nguồn lực, các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất đai, bảo đảm yếu tố bền vững trong tiến trình đô thị hóa nông thôn, phù hợp với sự phát triển đô thị chung của thành phố.

Hai là, tích hợp quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn vào quy hoạch tổng thể thành phố theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy tốt lợi thế của địa phương; phát triển và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới khu, trạm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện các dự án ưu tiên về phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sinh thái, quản lý chất lượng và tiêu chuẩn hóa nông - thủy sản, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định gắn với hệ thống chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nông sản Cần Thơ.

Ba là, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng kết nối chặt chẽ giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế,...) theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sự kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện, kết nối thành phố với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tạo quỹ đất để xây dựng kho bãi, kho trữ, nhà chế biến nông sản; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển các trung tâm dịch vụ liên kết hỗ trợ sản xuất ở nông thôn.

Bốn là, ưu tiên thực hiện các giải pháp tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng ngành, nghề phi nông nghiệp để tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động ở nông thôn; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và dịch vụ ở nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành, nghề nông thôn, sản phẩm OCOP gắn với khai thác các lợi thế và nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức địa phương, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.

Năm là, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; ưu tiên bố trí vốn cho xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại. Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, hệ thống điện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực sản xuất tập trung; đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin, thiết chế văn hóa, mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới trường lớp, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm ở khu vực nông thôn.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như: xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong công tác quản lý, giám sát, điều hành sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, xây dựng chính quyền số gắn với thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương...

Bảy là, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản, thích ứng với cơ chế thị trường; thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp. Triển khai thực hiện tốt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, mô hình xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với đô thị hóa nông thôn./.

TS. LÊ QUANG MẠNH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ