Thanh Hóa: Xây dựng thói quen phân loại rác tại nhà

(Mặt trận) -Luật Bảo vệ môi trường mới năm 2020 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 với nhiều quy định mới liên quan đến việc thu gom rác thải sinh hoạt của hộ gia đình. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định. Luật được ban hành và có hiệu lực, lại dấy lên hy vọng khi các quy định được áp dụng rộng rãi sẽ góp phần giảm tải áp lực, giảm chi phí dành cho công việc thu gom, xử lý rác - một vấn đề nan giải ở nhiều địa phương. Nhưng để quy định phân loại rác được thực hiện đồng bộ trong thực tế là chuyện không dễ thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để nâng cao ý thức, hình thành thói quen phân loại rác từ chính mỗi hộ gia đình.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Cán bộ Hội LHPN huyện Hoằng Hóa hướng dẫn các hộ gia đình cách phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón.

Quan sát trong đời sống hằng ngày, dù là ở nhà riêng hay ở cơ quan, đơn vị, hầu hết mọi người vẫn nhét mọi thứ vào một túi rác lớn, mang ra khỏi nhà. Giấy, chai, lọ nhựa, túi ni-lông, vỏ bánh kẹo... vẫn thường bỏ chung cùng bã chè, thức ăn thừa, tã bẩn... Mọi thứ thường được tập kết ở lề đường và chờ người thu gom rác đến chở đi.

Một vài năm trở lại đây, từ các phong trào vận động, số ít nhà dân đã phân loại rác theo cách thức đơn giản: rác dễ phân hủy và rác có thể tái chế. Nếu ở vùng nông thôn, vườn rộng, các hộ sẽ tự xử lý rác dễ phân hủy, còn ở các đô thị dù rác đã được phân loại thành các túi khác nhau, nhưng khi ra khỏi nhà lại chất chung lên chiếc xe thu gom rác. Câu chuyện đồng bộ trong tất cả các khâu phân loại, thu gom, xử lý vẫn còn nhiều việc đáng bàn.

Gia đình chị Lê Thị Cúc, ở thôn Đông Anh Vinh, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) là một trong những hộ đầu tiên được lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Một trong những phần việc quan trọng của mô hình chính là phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Tham gia mô hình, chị Cúc đã được cán bộ Hội LHPN huyện, xã trực tiếp hướng dẫn việc xây 2 bể chứa rác hữu cơ và cách phân loại, thu gom, sử dụng chế phẩm sinh học và quy trình ủ rác thải hữu cơ để thành phân bón cho cây trồng.

Chị Cúc cho biết: “Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thải ra môi trường khoảng 3kg rác thải, trong đó chủ yếu là các loại lá cây, thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp hay các loại túi ni-lông, chai nhựa... Trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình, tôi đều đổ vào bao tải rồi tập kết ở trước cổng để người của công ty môi trường thu gom chở đi. Cứ 5 - 7 ngày họ mới tới chở một lần, thậm chí có đợt còn lâu hơn nên khó tránh khỏi mùi hôi từ rác. Từ khi được hướng dẫn thực hiện mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”, tôi đã dần thay đổi thói quen. Rác thải hữu cơ như lá cây, thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp... được đổ dồn vào hố xử lý và rắc lên chế phẩm sinh học đã được pha loãng; rác thải nhựa có thể tái chế được để riêng để bán phế liệu... Từ cách làm này, lượng rác phải chở đi cũng giảm khoảng 1 nửa, mùi hôi từ các túi rác thải tập kết lâu ngày cũng không còn. Sau một thời gian, rác hữu cơ còn trở thành phân bón cho cây ăn quả trong vườn, tiết kiệm được chi phí mua phân bón.

Chị Trương Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoằng Thịnh, cho biết: Hoằng Thịnh là xã sản xuất nông nghiệp nên lượng rác thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải phát sinh hằng ngày. Việc triển khai mô hình “Nhà sạch – vườn đẹp” có nhiều hoạt động, phần việc khác nhau. Riêng hoạt động phân loại, xử lý rác thải hữu cơ được hội LHPN phối hợp với hội nông dân xã triển khai thực hiện thí điểm ở 4 gia đình tại các thôn: Đông Anh Vinh, Thịnh Hòa, Bình Tây. Đây là hoạt động ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cả người dân và địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là hoạt động đi trước một bước để dần hình thành thói quen phân loại rác, chuẩn bị tốt các điều kiện để áp dụng các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường.

Nói về quy định người dân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, chị Nga cho rằng việc áp dụng quy định không thu gom rác thải sinh hoạt chưa được phân loại phải có thời gian, lộ trình. Hiện nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức phân loại rác cho người dân. Việc vận động sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi các hoạt động của các mô hình cụ thể được lan tỏa và thành thói quen tự giác thực hiện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình; việc tự quản lý, tự giám sát giữa các gia đình, khu dân cư được đề cao.

Theo Khoản 1, Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo nguyên tắc: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Khoản 3, 4, Điều 75 của luật đã quy định rõ cách thức xử lý chất thải đối với gia đình ở đô thị và khu vực nông thôn. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó, theo Khoản 1, Điều 79 luật này quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Như vậy, phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sẽ căn cứ theo khối lượng và thể tích chất thải ra. Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nào xả càng nhiều rác thải, chất thải thì sẽ phải trả chi phí nhiều hơn.

Những quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (theo Khoản 1, Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường) và việc áp dụng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích (theo Khoản 1, Điều 79) được thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024. Đây là những quy định sẽ góp phần hình thành thói quen tốt và thúc đẩy người dân phân loại rác thải tại nguồn.