Thanh Hóa: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường”, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tình hình ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát, nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Quang cảnh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp

Mỗi ngày trên địa bàn huyện Triệu Sơn phát sinh trên 120 tấn rác thải sinh hoạt. Để bảo đảm tốt vệ sinh môi trường trên địa bàn, huyện đã xây dựng Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Thông qua đề án này đã huy động được nguồn lực từ Nhân dân tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, có 7 xã trên địa bàn huyện hợp đồng với các đơn vị dịch vụ để thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý, với tổng khối lượng thu gom khoảng 19 tấn/ngày; 27 xã, thị trấn đã quy hoạch bãi rác ngay tại địa phương để xử lý. Công tác quản lý Nhà nước về môi trường được tăng cường. Ngoài ra, huyện Triệu Sơn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức định kỳ mở lớp tập huấn công tác tài nguyên và môi trường cho chủ tịch UBND cấp xã, công chức địa chính, công chức môi trường các xã, thị trấn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện được tăng cường và đạt nhiều kết quả.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết: “Để đảm bảo tốt môi trường trong khu dân cư, trong thời gian qua, huyện Triệu Sơn đã đẩy mạnh công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Nhờ đó, đã huy động sự quan tâm của xã hội chung tay bảo vệ môi trường. Để duy trì những kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn, huyện Triệu Sơn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường”.

Tại huyện Hoằng Hóa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh. Đến nay, toàn huyện có khoảng 15.000 thùng đựng rác các loại đạt chuẩn. Đầu năm 2021, UBND huyện Hoằng Hóa đã có Công văn số 1983/UBND-TNMT chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kêu gọi, vận động người dân cùng nhau đồng lòng thực hiện “mô hình thùng rác xanh” và đã có 61.544 hộ tham gia “mô hình thùng rác xanh” với tổng số lượng trên 8.800 thùng.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường được phát động rộng rãi. Hàng loạt mô hình do các hội, đoàn thể được triển khai, như: Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa với mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; Tỉnh đoàn duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân tỉnh với mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư”... Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 88%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; 100% chất thải y tế nguy hại được thu gom xử lý. Đã có 62/82 cơ sở gây ô nhiễm được rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, làm chuyển biến nhận thức rõ nét trong hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn thể cộng đồng dân cư và toàn xã hội.

Phan Nga