Thanh Hóa: Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bên cạnh việc huy động đa dạng các nguồn lực làm cơ sở cho việc hoàn thiện các tiêu chí, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xem đây là “cầu nối” góp phần đưa các chủ trương, chính sách đi vào đời sống.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Với việc phát huy vai trò của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, diện mạo nông thôn mới xã Quảng Minh ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Để chung tay XDNTM, những năm qua, Ủy ban MTTQ thành phố Sầm Sơn và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình dân vận khéo. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tích cực tham gia phong trào XDNTM bằng những việc làm cụ thể, bắt đầu từ thôn, xóm, làng, xã. Từ đó, tạo ra nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội và giúp cho cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình XDNTM; từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, đó là lấy nội lực là căn bản, tự giác tham gia vào quá trình kiến tạo diện mạo nông thôn.

Công tác tuyên truyền được chú trọng cả về hình thức và nội dung. Theo đó, Ủy ban MTTQ thành phố, các tổ chức đoàn thể căn cứ trên lĩnh vực phụ trách xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền đến các hội viên, chi hội cơ sở, tổ chức các hội thi sân khấu hóa; thực hiện các mô hình dân vận khéo vận động hội viên chung tay XDNTM. Chỉ đạo các xã tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tại các đường trục xã, trục thôn và các điểm công cộng của xã, công sở và các trường học trên địa bàn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin sinh hoạt chi bộ, trên hệ thống truyền thanh của thành phố và của các xã, phường. Tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức, các hội thi văn nghệ theo từng cụm dân cư, cụm xã về chủ đề XDNTM. Cùng với đó, kết hợp tuyên truyền tại các hội nghị, lớp tập huấn, dạy nghề, trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về XDNTM. Tổ chức các hội nghị tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong XDNTM...

Trên cơ sở các nội dung tổng quan về Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, các chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương, tỉnh và của thành phố ban hành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về nguyên tắc và các bước tiến hành XDNTM; về vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức và vai trò chủ thể của người dân; nêu gương điển hình những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện chương trình. Đồng thời, tập trung tuyên truyền về đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; về việc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái; về phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương kỷ luật, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục trong Nhân dân; về gìn giữ, bảo vệ môi trường ở nông thôn, giữ vững an ninh trật tự trong XDNTM...

Cùng với chú trọng công tác tuyên truyền, Ủy ban MTTQ phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy và các tổ chức đoàn thể đã triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo mang lại hiệu quả tích cực. Kết quả. Đã xây dựng 56 mô hình câu lạc bộ và tổ tự quản về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, an toàn giao thông; có 2 HTX vệ sinh môi trường tại xã Quảng Minh và xã Quảng Hùng do hội phụ nữ 2 xã thành lập. Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đã phát động phong trào toàn huyện xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn và duy trì thực hiện thường xuyên tổng vệ sinh môi trường vào chủ nhật hàng tuần; các phong trào tổng vệ sinh môi trường nông thôn định kỳ hàng tuần, hàng tháng được duy trì. Hàng năm, UBND các cấp đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, tổ chức hội, đoàn thể phụ trách công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng của thôn, xã và các khu dân cư.

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và hành vi của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường NTM được MTTQ, các đoàn thể phối hợp với các địa phương triển khai thường xuyên. Điển hình là xây dựng các mô hình dân vận khéo như “Trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “Xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng”; hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm “ Ngày khí tượng thế giới”, “Giờ trái đất”, “Ngày nước thế giới”, “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày môi trường thế giới”... Đặc biệt, hàng tháng huy động trên 3.000 lượt người ở các cơ quan, đơn vị và người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường; tổ chức chỉnh trang và phát quang trên các trục đường giao thông nông thôn. Đến nay trên địa bàn 3 xã đã phát động trồng được trên 9 km đường hoa, cây xanh dọc các trục đường xã, đường thôn và liên thôn.

Trong xây dựng và triển khai các mô hình dân vận khéo, Hội Phụ nữ thành phố đóng vai trò quan trọng. Theo đó, hội đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng phong phú, gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa thông qua việc thực hiện các tiêu chí 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thành lập được 10 câu lạc bộ xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”. Các cấp hội cũng tổ chức hoạt động tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa và tổ chức 650 buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình; vận động hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, triển khai thành công mô hình trồng hoa thay thế cỏ dại và dọn vệ sinh môi trường với gần 15.000m đường hoa tại các trục đường thôn, khu phố của 11 xã, phường; nhiều khuôn viên công sở, nhà văn hóa, cơ quan, trường học được chỉnh trang, có bồn hoa, cây cảnh. Đặc biệt, hội đã tích cực huy động các nguồn lực giúp hội viên phát triển kinh tế, như tín chấp và ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng số tiền trên 154 tỷ đồng, giúp cho hơn 4.200 lượt hội viên vay; huy động vốn từ Quỹ TYM phát ra trên 60 tỷ đồng với 3.537 thành viên tham gia.

Cùng với vai trò tích cực của hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường và kiến tạo diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; thời gian qua, Hội Nông dân thành phố cũng triển khai với mô hình “Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm”, thu hút sự tham gia của 3 xã Quảng Đại, Quảng Hùng và Quảng Minh và bước đầu đạt những kết quả khả quan. Đồng thời, tích cực vận động các xã đã tham gia thực hiện phong trào không sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và xây dựng được hơn 60 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, đoàn thanh niên thành phố còn có mô hình “Môi trường không rác thải tại một số công trình công cộng, dòng sông, di tích”; “Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế”. Để góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhận thức pháp luật cho người dân, hội cựu chiến binh đã triển khai các mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn”... Việc xây dựng và triển khai các mô hình kể trên của MTTQ và các đoàn thể đã và đang đóng góp thiết thực vào kết quả XDNTM của TP Sầm Sơn.

Có thể nói, thông qua các mô hình dân vận khéo và các hình thức, nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp và hiệu quả của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP Sầm Sơn trong XDNTM từng bước được nâng cao. Đặc biệt, người dân các xã XDNTM đã hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của NTM trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từ đó, dần thấm nhuần và chung tay thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng thụ và dân là chủ thể”.

Trường Giang