Thanh Hóa: Phát huy vai trò của MTTQ trong công tác bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, động viên Nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường (BVMT). Nhờ đó, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường (VSMT) ngày càng được nâng lên, diện mạo các khu dân cư ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

 Thôn Song, xã Các Sơn (thị xã Nghi Sơn) được MTTQ tỉnh Thanh Hóa  lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, xã, phường an toàn và phát triển bền vững”.

Là một trong những địa phương làm tốt công tác BVMT, trong những năm qua, MTTQ xã Thọ Hải (Thọ Xuân) tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác BVMT. Trong triển khai thực hiện phong trào, căn cứ vào thực tế từng thôn, MTTQ xã phân công rõ trách nhiệm cho từng tổ chức thành viên phụ trách nội dung, cụ thể như: Hội LHPN đảm nhận vận động hội viên thu gom chai nhựa và túi nilon tái sử dụng, xử lý rác thải vô cơ, xây dựng các tuyến đường hoa; hội nông dân vận động hội viên, hộ gia đình làm thùng đựng, thu gom, xử lý rác thải hữu cơ; đoàn thanh niên xây dựng điểm rác thải xanh ở các nhà văn hóa thôn; hội cựu chiến binh tuyên truyền, vận động xử lý rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, MTTQ xã chỉ đạo ban công tác mặt trận các thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BVMT bằng nhiều hình thức như, lồng ghép trong các buổi họp dân, trao đổi về ý nghĩa, các biện pháp BVMT, từ đó nâng cao ý thức tự giác của người dân trong công tác BVMT.

Cũng giống như xã Thọ Hải, thôn Song, xã Các Sơn (thị xã Nghi Sơn) là một trong 4 địa phương được MTTQ tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, xã, phường an toàn và phát triển bền vững”. Để triển khai thực hiện mô hình hiệu quả, ban công tác mặt trận thôn đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết về BVMT; xây dựng quy chế hoạt động của ban điều hành và tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT tới toàn thể người dân. Bên cạnh việc lắp hệ thống điện chiếu sáng, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, điểm sinh hoạt cộng đồng; ban công tác mặt trận thôn còn phát động người dân tiến hành tổng vệ sinh chung vào ngày cuối tuần, không thả rông gia súc, gia cầm, vứt túi nilon, vỏ bao bì phân hóa học bừa bãi, xây dựng được khu hỏa táng đồ thờ cúng tại nghĩa trang...

Xác định công tác bảo đảm VSMT là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, MTTQ các cấp đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền BVMT. Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động Nhân dân tham gia BVMT. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề như, thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa do ô nhiễm môi trường đến cuộc sống con người; các giải pháp cần thực hiện tại cộng đồng dân cư, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc BVMT... Trong năm 2020, MTTQ các cấp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày môi trường thế giới; tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam... thu hút trên 1 triệu lượt người tham gia. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã tổ chức vận động Nhân dân tham gia làm VSMT, khơi thông, nạo vét được trên 160km kênh mương; thu gom trên 3.000 tấn rác thải và trồng mới được gần 60.000 cây xanh, cây bóng mát các loại... Thông qua các hoạt động, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT được nâng cao.

Cùng với đó, MTTQ tỉnh cùng với các tổ chức thành viên còn xây dựng, phát động các phong trào thi đua phù hợp với hoạt động của tổ chức mình như: Đoàn thanh niên với phong trào “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Hành trình xanh”; hội phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và từng bước hình thành thói quen BVMT trong mỗi đoàn viên, hội viên, người dân. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư tự quản BVMT” tại 27 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, người dân được nâng cao ý thức BVMT, đường làng, ngõ xóm thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, không còn hiện tượng đổ rác thải bừa bãi; các hộ kinh doanh dịch vụ, sản xuất hàng thủ công thực hiện đúng cam kết BVMT. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 222 mô hình ở khắp các vùng, miền. Nội dung hoạt động được cụ thể hóa, từng bước đi vào nền nếp, trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Quan trọng hơn, sau thời gian thực hiện các mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân về BVMT.

Để công tác đảm bảo VSMT đi vào chiều sâu, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, MTTQ các cấp tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phối hợp hành động BVMT trong cộng đồng dân cư ở tất cả các cấp, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh; tổ chức tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; duy trì và phát triển các mô hình tự quản “Khu dân cư xanh – sạch – đẹp”; “Xã, phường an toàn và trong sạch môi trường”... tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành.

Thu Hằng