Thanh Hóa: Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 101 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong số này có 95 xã (chiếm 94%) nằm ở 11 huyện miền núi. Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương này.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Thiếu đất canh tác đang là một rào cản trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Chung.

Nói về những khó khăn trong xây dựng NTM tại các huyện miền núi ở Thanh Hóa, đầu tiên phải kể đến huyện vùng cao Mường Lát. Sau 13 năm bắt tay vào xây dựng, đến nay toàn huyện vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Chúng tôi đến xã Mường Chanh, một trong những xã “điểm” về xây dựng NTM của huyện Mường Lát, song đến nay, địa phương này vẫn đang khá loay hoay. Ông Bùi Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết: Khi bắt đầu triển khai, xã gặp rất nhiều khó khăn mặc dù đã vận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước và huy động sự vào cuộc của nhân dân để xây dựng NTM. Đến nay xã mới có 7/9 bản đạt chuẩn NTM, trung bình toàn xã đạt 16/19 tiêu chí.

“Nguyên nhân chính dẫn đến xây dựng NTM địa phương vẫn còn hạn chế là do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn... Ngoài ra, việc thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa gặp khó do nguồn thu ngân sách trên địa bàn thấp, cuộc sống người dân còn nghèo nên huy động nội lực không khả thi. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình khác phân bổ chưa đủ để thực hiện các tiêu chí theo lộ trình đề ra. Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM trong năm 2025” - ông Nhân chia sẻ.

Ông Hà Văn Ca - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Mường Lát là huyện vùng cao biên giới có 7 xã, với 77 bản. Đến nay, huyện Mường Lát mới có 17/77 bản đạt chuẩn bản NTM và vẫn “trắng” xã NTM. Toàn huyện mới đạt bình quân 5 tiêu chí/xã. Hành trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện còn nhiều gian nan vì có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, các xã miền núi khó thực hiện được. Đơn cử như: Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung; truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực; tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ nghèo đa chiều... Theo khảo sát của UBND huyện Mường Lát, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn huyện chiếm 65,34% (hộ nghèo 47,71%, cận nghèo 17,63%), thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đạt 22,65 triệu đồng/người/năm.

Tại huyện Lang Chánh, tính đến tháng 5/2024, toàn huyện có 2 xã, 30 thôn đạt chuẩn NTM, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2022-2025, địa phương này phấn đấu có thêm 2 xã gồm: Đồng Lương, Tân Phúc sẽ đạt chuẩn NTM. Nhưng đến nay, xã Đồng Lương mới đạt 14/19 tiêu chí NTM, còn xã Tân Phúc mới đạt 16/19 tiêu chí NTM.

Theo khảo sát và đánh giá, các tiêu chí chưa đạt tại 2 xã nói trên bao gồm: Nhà ở, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều. Đơn cử như tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là dưới 6,5%. Trong khi, người dân địa phương chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp nên thu nhập chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới gần 40%. Một số tiêu chí mềm cũng cần thêm thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện sâu rộng trong nhân dân.

Thanh Hóa đặt mục tiêu có 29 xã ở khu vực miền núi về đích NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều huyện như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Lang Chánh, Bá Thước không thể hoàn thành kế hoạch. Phải thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ xây dựng NTM ở khu vực miền núi còn rất chậm.

Theo thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa: Toàn tỉnh hiện còn 101 xã chưa đạt chuẩn NTM thì có tới 95 xã (chiếm 94%) thuộc 11 huyện miền núi. Nguyên nhân chính, do khu vực này có địa hình chia cắt, đồi núi nhiều, thiếu đất sản xuất... nên khó phát triển các lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, trình độ dân trí, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Để tốc độ xây dựng NTM được đẩy mạnh thì các huyện miền núi cần phải linh hoạt, chủ động hơn trong phát huy nội lực, thu hút đầu tư, khuyến khích sự chủ động, tích cực tham gia của người dân.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nói chung và mục tiêu xây dựng NTM ở khu vực miền núi nói riêng, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát thực trạng để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể theo bộ tiêu chí mới. Tăng cường công tác lãnh đạo, thực hiện các tiêu chí xã NTM, phấn đấu mỗi năm, mỗi xã hoàn thành đạt chuẩn từ 3 - 5 tiêu chí để đến năm 2025 trên địa bàn các huyện không còn xã dưới 15 tiêu chí”.

N.C