Thanh Hóa: Lan tỏa những mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào công giáo

(Mặt trận) -Tỉnh Thanh Hóa có gần 154.000 giáo dân đang sinh sống tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị trong tỉnh đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng các mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới vùng đồng bào công giáo trong tỉnh.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Nông dân xã Quảng Phú (Thọ Xuân) đầu tư xây dựng mô hình trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Nga Điền (Nga Sơn) có 2.074 hộ dân, với 8.442 nhân khẩu, trong đó đồng bào công giáo chiếm hơn 75% dân số toàn xã, sinh hoạt tín ngưỡng tại 3 giáo xứ Điền Hộ, Phước Nam và Mông Ân. Năm 2020, các giáo xứ Mông Ân và Điền Hộ được chọn làm điểm chỉ đạo về nâng cao chất lượng mô hình “Dân vận khéo trong xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Đảng ủy, chính quyền xã Nga Điền chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị, Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình ở các giáo xứ tập trung tuyên truyền sâu rộng đến bà con giáo dân nội dung, ý nghĩa, mục đích của mô hình. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên 100% hộ gia đình giáo dân ở 2 giáo xứ Mông Ân, Điền Hộ đã đồng thuận ký cam kết thi đua xây dựng mô hình. Thông qua mô hình “Dân vận khéo trong xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”, các tầng lớp Nhân dân và bà con giáo dân đã cung cấp trên 30 tin có giá trị cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự.

Thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng mô hình “Dân vận khéo trong xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”, Ban Thường vụ Huyện ủy Nga Sơn đã tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình tại các giáo xứ trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Nga Sơn đã nhân rộng mô hình tại các giáo xứ gồm: Phước Nam thuộc xã Nga Điền; Liên Nghĩa thuộc xã Nga Thái; Tam Tổng, Phúc Lạc thuộc xã Nga Liên. Theo đánh giá của Ban Dân vận Huyện ủy Nga Sơn, mô hình “Dân vận khéo trong xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ở 6 giáo xứ đã phát huy hiệu quả hoạt động, bằng việc vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Trong hơn 2 năm qua, quần chúng Nhân dân ở 6 giáo xứ đã cung cấp hơn 376 nguồn tin tố giác có giá trị cho cơ quan chức năng. Trên cơ sở nguồn tin tố giác, các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý 75 vụ việc liên quan đến pháp luật, góp phần giữ gìn sự bình yên ở mỗi khu dân cư. Đến nay, 26/26 khu dân cư có mô hình “Dân vận khéo trong xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” đều duy trì đảm bảo tốt an ninh trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình ở các giáo xứ còn tích cực tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và bà con giáo dân thực hiện công tác “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” và trực tiếp tham gia hòa giải thành 20 vụ mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Cũng nhờ thực hiện mô hình mà các hộ gia đình giáo dân ở 26/26 khu dân cư thuộc 3 xã Nga Liên, Nga Thái, Nga Điền đã nêu cao tinh thần đoàn kết lương - giáo, sống tốt đời - đẹp đạo, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa. Qua bình xét hàng năm, ở các thôn có đông đồng bào giáo thì tỷ lệ gia đình văn hóa đạt từ 85-91%.

Xã Quảng Phú (Thọ Xuân) có 1.804 hộ với 7.171 khẩu, trong đó đồng bào công giáo chiếm hơn 95% dân số toàn xã. Đầu năm 2019, mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” được ra mắt với cán bộ, đảng viên và bà con giáo dân trong xã. Ông Bùi Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” được gắn kết với các phong trào khác ở địa phương như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM)... Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo những năm qua, đồng bào công giáo luôn phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn đồi, nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, sống tốt đời - đẹp đạo”. Nhờ tích cực phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào công giáo xã Quảng Phú nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2022 đạt 54,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,74%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92%...

Thành công của mô hình “Dân vận khéo trong xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” và mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” không chỉ giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình Nhân dân, mà còn có sức lan tỏa, thu hút đồng bào công giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp phát động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Khuyến học, khuyến tài”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Tiêu biểu phải kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Trong giai đoạn 2020-2022, đồng bào công giáo trong tỉnh đã đóng góp xây dựng NTM với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng, hiến khoảng 90 ha đất các loại và hơn 67.000 ngày công để sửa chữa, làm mới hơn 700 km đường giao thông nông thôn, hàng trăm km đường điện chiếu sáng, cùng nhiều nhà văn hóa thôn. Song song với đó, đồng bào công giáo cũng tích cực thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kết quả, toàn tỉnh có 862.043/957.825 hộ gia đình công giáo tham gia đăng ký phấn đấu để xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 90%; có trên 100.000 lượt gia đình công giáo được công nhận danh hiệu ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo... Những kết quả đó đã và đang góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trần Thanh