Thanh Hóa: Duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Để thay đổi bộ mặt làng quê, tạo mỹ quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, các địa phương XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống, xây dựng các mô hình để người dân hình thành thói quen, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Nhờ đó, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc, trở thành những vùng quê đáng sống.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Người dân xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) quét dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm.

Năm 2023, xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) là một trong những địa phương được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm về hàng rào xanh, cây bóng mát. Theo đó, mô hình đã được người dân đồng lòng hưởng ứng tham gia, trồng 2km cây giáng hương, 1km chè mạn. Từ đó, đã góp phần tăng tỷ lệ cây xanh trên địa bàn xã đáp ứng điều kiện của tiêu chí môi trường về tỷ lệ trồng cây xanh, cây bóng mát, hàng rào xanh, góp phần bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong việc chung tay XDNTM. Song song với đó, xã hướng dẫn các hộ gia đình chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển; thực hiện xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; hơn 51% số hộ đã thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; mỗi hộ gia đình có một thùng rác theo quy định, đăng ký để các thôn ký kết với công ty xử lý rác thải đưa rác thải ra khỏi địa bàn; xây dựng hệ thống cống rãnh theo tiêu chuẩn, tường rào tuyến đường mẫu... Để xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp, các cấp hội nông dân, đoàn thanh niên... cũng đã phát động các phong trào thu gom rác thải đồng ruộng, xây dựng hố rác phân hủy rác hữu cơ tại vườn hộ gia đình, tổng dọn vệ sinh môi trường tuyến trục chính xã, trồng hoa, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các trang trại, gia trại chăn nuôi... Bà Nguyễn Thị Dung, một trong những hộ đầu tiên hưởng ứng phong trào phân loại rác thải tại nguồn cho biết: “Sau khi được tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, gia đình tôi đã phân loại riêng lá cây, quả, rau xanh hỏng... để ủ với men vi sinh làm phân bón; những loại rác khó phân hủy như chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt... tôi gom lại để tham gia chương trình “Biến rác thải thành tiền”. Ngoài ra, tôi cùng hội viên phụ nữ trong xã còn tích cực trồng các tuyến đường hoa rực rỡ, góp phần làm đẹp cho làng quê”.

Tại xã Trường Xuân (Thọ Xuân), để xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, các mô hình, phong trào liên quan đến công tác môi trường đã được các cấp hội phát động, triển khai và thực hiện có hiệu quả như: Xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”; trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, hàng rào xanh; mô hình từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà san sẻ yêu thương; ngày thứ bảy tình nguyện; xử lý rác thải bằng men vi sinh thành phân bón hữu cơ; xây dựng 50 bể chứa và xây dựng mô hình thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng... Bên cạnh đó, xã đã ra mắt và duy trì hoạt động 14 mô hình khu dân cư “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” ở các thôn; công tác tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư được Nhân dân các thôn trong xã duy trì thực hiện thường xuyên vào cuối mỗi tuần... Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và hiệu quả từ các mô hình, đến nay, tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế toàn xã đạt trên 90%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt 100%; các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đảm bảo theo quy định; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom vận chuyển và xử lý đạt 98,5%; 100% vỏ thuốc bảo vệ thực vật được thu gom theo quy định...

Xác định duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường là nhiệm vụ khó, vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, xem công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm hàng đầu, song hành cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các lớp tập huấn thực hiện tiêu chí môi trường cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện việc xử lý, phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình: Phân loại rác thải tại nguồn kết hợp chống rác thải nhựa tại các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa; xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình tại các huyện Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, thị xã Nghi Sơn; mô hình ngôi nhà thu gom phế liệu phòng, chống rác thải nhựa trong trường học tại huyện Hậu Lộc... Song song với đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đã và đang dần đi vào nền nếp; đã chủ động thực hiện thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư, xây dựng đồng bộ mương rãnh thoát nước; định kỳ vệ sinh, nạo vét, khơi thông dòng chảy, phát quang, kè bờ, khoan giếng để sử dụng nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt...

Đức Cảnh