Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường ở các làng nghề, cụm công nghiệp

(Mặt trận) -Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp (KCN), 35/71 CCN, hơn 160 làng nghề (LN) và làng có nghề, trong đó có 90 LN được công nhận. Để LN, làng nghề truyền thống (LNTT), cụm công nghiệp (CCN) hoạt động đúng quy định của pháp luật về BVMT, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số LN, LNTT, CCN, tại khu vực khai thác khoáng sản, khu xử lý rác thải, trang trại chăn nuôi, các cơ sở chế biến giấy, bột giấy, vàng mã... vẫn xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, làm bức xúc trong Nhân dân.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Một cơ sở chế biến miến dong tại xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” thì các KCN, CCN, LN hiện đang nằm trong nhóm chỉ tiêu đạt thấp. Các KCN đáp ứng yêu cầu về môi trường đạt 30% (kế hoạch đến năm 2020 đạt 50%); 1,5% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (kế hoạch 30%); 4,5% LN đạt yêu cầu về môi trường (kế hoạch 50%)... Điển hình như tình trạng ô nhiễm không khí tại các LN sản xuất vật liệu xây dựng Vức, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa), xã Yên Lâm (Yên Định); về nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường ở các cơ sở sản xuất bột cá, chế biến thủy sản phường Hải Bình, Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), các xã ven biển các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa...

Để chủ động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Ví như huyện Hoằng Hóa có khoảng 18 làng đạt tiêu chí LNTT, trong đó, có 12 LN mây tre đan tại xã Hoằng Thịnh, Hoằng Thái (có 4 làng của Hoằng Thịnh đã được công nhận LNTT); 5 LN mộc tại xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt; 1 LN chế biến hải sản tại xã Hoằng Phụ. Để phát triển các nghề truyền thống một cách bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường tại các LN theo đúng quy định. Trong đó, các cơ sở hoạt động trong LN phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý nước thải; khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng. Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của LN, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng. Các phòng, ngành chức năng và các địa phương có LN phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và buộc phải đầu tư khắc phục ô nhiễm...

Thời gian qua, thực hiện nội dung Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” huyện Cẩm Thủy đã xây dựng chương trình hành động, gắn với tình hình thực tế địa phương và đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp. Một trong những nội dung được huyện Cẩm Thủy thực hiện đó là yêu cầu 100% xã, thị trấn đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của làng, thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhân rộng mô hình đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội cụm dân cư bảo vệ môi trường, như: “hố thu gom rác thải ngoài đồng” của hội nông dân; “cây xanh, đường sạch” của đoàn thanh niên; phong trào “3 sạch” của hội phụ nữ; phong trào “bờ rào xanh” của hội cựu chiến binh...; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và sử dụng vật liệu tái chế, sản phẩm sinh thái...

Để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng có công văn về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về bảo vệ môi trường, nhất là Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Kết luận số 2073-KL/TU, ngày 7-9-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”; các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Hạn chế tối đa chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các KCN, CCN, LN, khu dân cư; xây dựng kế hoạch tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, dọc lưu vực các sông lớn vào các KCN, CCN, LN; di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đến vị trí phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân...

Gia Bảo - Báo Thanh Hóa