Thái Nguyên: Xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững

(Mặt trận) -Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng đổi mới, sáng tạo phương thức hoạt động, việc thực hiện các Cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc góp phần quan trọng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.

Mặt trận Tổ quốc Yên Bái - cầu nối công tác giảm nghèo

Mặt trận Tổ quốc huyện Diên Khánh đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Mặt trận Tổ quốc xã An Thịnh: Lấy sức dân để lo cho dân

 Tưng bừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm Quyết, xã Phú Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thainguyen.gov.vn.

Phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào

Sau 20 năm, MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên triển khai và phối hợp tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết đã cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân, là điểm nhấn của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở mỗi xóm, tổ dân phố.

Do có sự định hướng, chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội với hai phần lễ và hội. Phần lễ, các đại biểu tham dự và Nhân dân ở các khu dân cư cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang qua từng thời kỳ của MTTQ Việt Nam và cùng khẳng định vai trò quan trọng của công tác Mặt trận trong quá trình phát triển của Lịch sử cách mạng Việt Nam.

Phần hội được tổ chức với nhiều nội dung phong phú. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc các dân tộc của địa phương. Tại Ngày hội, các địa phương còn tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình chính sách người có công với cách mạng, gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực, khởi công xây dựng và sửa chữa nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, phát động trồng cây xanh, tổng vệ sinh khu dân cư, bảo vệ môi trường... Tùy điều kiện, nhiều khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” với các sản vật địa phương tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, vui tươi, đầm ấm trong Ngày hội.

Trong 20 năm, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được 212 đoàn mời các đồng chí lãnh đạo Cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và đoàn thể dự Ngày hội, đã tặng nhiều phần quà cho khu dân cư và các gia đình chính sách, các hộ gia đình tiêu biểu trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã có các hình thức giúp đỡ nhau như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… từng bước nâng cao đời sống Nhân dân giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, là cơ sở vững chắc để phát huy vai trò làm chủ của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình ở các khu dân cư góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong cộng đồng dân cư.

Thông qua tổ chức Ngày hội đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò chủ thể của Nhân dân đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.

Nhân dân đã tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Thanh niên tham gia xây dựng đô thị văn minh”; “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi”; “Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong doanh nghiệp”; “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”....

 Chủ tịch MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2023”

Hưởng ứng phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban MTTQ các cấp tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân hiến trên 160,4 ha đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng cơ sở.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (85,7%); 17 xã nông thôn mới nâng cao (15,5%); 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu (3,6%). Bình quân toàn tỉnh đạt 18,2 tiêu chí/xã; thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Phú Bình được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022.

Qua 4 kỳ đánh giá xếp hạng (năm 2019 đến hết năm 2022) tỉnh Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (có 91 sản phẩm 3 sao; 80 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia). Diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi rõ nét, văn hoá phát triển, môi trường được bảo vệ, an ninh chính trị ổn định.

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Theo MTTQ tỉnh Thái Nguyên, sau 20 năm tổ chức Ngày hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố về tổ chức. Đổi mới nội dung, hình thức, mở rộng hoạt động hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư và từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Công tác giám sát và phản biện xã hội với nhiều nội dung trọng tâm, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ít hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

MTTQ chú trọng thu hút các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong các dân tộc, cộng đồng dân cư, các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia công tác Mặt trận, đến nay có 74 vị Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp tỉnh; 515 vị Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp huyện; 6.136 vị Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã; 2.254 Ban công tác Mặt trận ở Khu dân cư với trên 10 nghìn người tham gia… không ngừng đổi mới phương thức hoạt động ngày càng hiệu quả, linh hoạt thu hút đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia vào các tổ chức, đoàn thể tạo sự đa dạng về thành phần, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể.

Các hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hướng mạnh về cơ sở thông qua việc tổ chức Ngày hội ở các khu dân cư. Ngày hội tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, lấy hiệu quả các Cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước làm thước đo, đánh giá hàng năm.

Ngày hội được tổ chức ở xóm, tổ dân phố đã tạo ra một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của Nhân dân trong cuộc sống.

Từ đó, góp phần giúp Đảng ngày càng hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo, huy động được sức mạnh trong Nhân dân góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng ở mỗi địa phương, đơn vị.

Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên các huyện, thành phố đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Ngày hội, qua đó góp phần động viên khích lệ các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động tổ chức Ngày hội ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

ĐỨC SƠN - TUẤN MINH