Thái Nguyên: Hiệu quả mô hình tự quản ở khu dân cư

(Mặt trận) -Nhằm phát huy tinh thần tự quản của nhân dân, những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tri Tôn quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xuân ấm áp bên những căn nhà mới ở tỉnh Long An

Lâm Hà nỗ lực giảm nghèo

 Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên trao xe thu gom rác cho bà con xã Vô Tranh, huyện Phú Lương.

Qua hơn 3 năm thực hiện các mô hình tự quản, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự thay đổi cơ bản. Từ những mô hình ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện những mô hình hay, cách làm tốt trong công tác Mặt trận.

Ông Dương Văn Thiệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dương Thành, huyện Phú Bình cho biết, hiện nay, xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để đảm bảo tiêu chí về môi trường, chúng tôi triển khai 14 mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nhờ đó, ý thức của bà con đã thay đổi đáng kể.

Còn tại phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, ông Đào Mạnh Trung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường cho biết, hiện nay chúng tôi đã xây dựng được 26 tổ tự quản, tương đương mỗi tổ dân phố có một mô hình hoạt động hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” mà nạn trộm cắp, đánh nhau, vi phạm giao thông trên địa bàn phường đã giảm hẳn.

Ở góc độ khác, bà Trần Thị Thư - Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm La Đành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ cho biết, để xây dựng mô hình, Ban Công tác Mặt trận xóm đã tuyên truyền, vận động bà con đóng góp được trên 100 triệu đồng, hiến hơn 500m2 đất để mở rộng và chỉnh trang lại tuyến đường trục xóm, đồng thời lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, người dân đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống tội phạm...

Cùng với duy trì các mô hình triển khai từ những năm trước, Ủy ban MTTQ thành phố Sông Công và các tổ chức thành viên cũng đang xây dựng thêm 10 mô hình tự quản xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một số mô hình đã được ra mắt vào đầu năm nay như “Cộng đồng dân cư tự quản chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp” tại phường Bách Quang; “Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền” của phường Thắng Lợi; “Khu dân cư đô thị văn minh” tại tổ dân phố 10, phường Mỏ Chè…

Đánh giá hiệu quả các mô hình tự quản đang thực hiện trên địa bàn thành phố, bà Đào Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Sông Công cho biết, việc xây dựng các mô hình điểm để thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực và nhận được sự ủng hộ của nhân dân toàn thành phố. Thực tế cho thấy, các mô hình đều phát huy tốt hiệu quả, tạo môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cho cả khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn.

Còn tại huyện Đồng Hỷ, nhằm phát huy tinh thần tự quản của nhân dân, những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ đã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trên nhiều lĩnh vực như: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... Đa số các mô hình đều có sức lan tỏa trong cộng đồng và được duy trì hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ cho biết, việc xây dựng các mô hình tự quản nhằm tập hợp sự đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; động viên nhân dân chủ động chung tay, góp sức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện. Đồng thời phát huy vai trò và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của MTTQ các xã, thị trấn, Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư trong việc thực hiện và giám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sau 3 năm triển khai xây dựng các mô hình tự quản, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với MTTQ các huyện, thành phố xây dựng được 54 mô hình tự quản cấp tỉnh. Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng được 407 mô hình tự quản cấp phường, xã. Những mô hình tự quản tập trung ở tất cả các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, lĩnh vực an ninh trật tự có các mô hình “Cổng trường an toàn về giao thông, trật tự”; “Tổ tự quản về phòng chống tội phạm”; “Tổ tự quản phòng chống tội phạm về ma túy”... Lĩnh vực về môi trường có mô hình “Cộng đồng tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều khu dân cư cũng đã xây dựng mô hình “Điểm nhóm bình yên, gia đình hạnh phúc” ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (huyện Võ Nhai); “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu, tiếng hát Soọng Cô” ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ); “Khu dân cư sống tốt đời, đẹp đạo và xây dựng gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, học giỏi” tại xóm Trại, xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình)...

Theo ông Nguyễn Đức Tôn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, để thực hiện các mô hình tự quản, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành hướng dẫn cụ thể đến các khu dân cư, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn toàn tỉnh. Các xã, phường, thị trấn, khu dân cư trong toàn tỉnh đã bám sát 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để đề ra kế hoạch, mục tiêu thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư, Ủy ban MTTQ các cấp cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên; tinh thần trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Do đó, việc triển khai thực hiện các mô hình tự quản diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực.

PHƯƠNG NGUYÊN