Thái Nguyên: Giám sát những vấn đề liên quan đến lợi ích của dân

(Mặt trận) -Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong hoạt động giám sát, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cùng các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng triển khai hoạt động giám sát. Từ đó góp phần giúp các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được thực thi đúng, đầy đủ, phù hợp với thực tiễn .

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Các tổ chức đoàn thể của tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Trung Thành (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), tham gia giám sát việc thi công mở rộng tuyến đường trục chính của tổ.

Theo đó, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đều xây dựng kế hoạch, chủ trì tổ chức nhiệm vụ giám sát theo chuyên đề, giám sát thường xuyên trên cơ sở nắm tình hình, theo dõi những vấn đề, lĩnh vực gây bức xúc trong dư luận; chủ động, kịp thời, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Ở từng chương trình giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đều tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn, những người có kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ hoạt động giám sát của MTTQ, phát huy vai trò của nhân dân nhằm nâng cao tính dân chủ trong hoạt động giám sát.

Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã tổ chức giám sát 12 chuyên đề. Riêng Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp tổ chức giám sát 3 chuyên đề, gồm: Giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác; giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025); giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Sông Công.

Cùng với công tác giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, năm qua, Ủy ban MTTQ cấp huyện đã chủ trì, giám sát 19 chuyên đề; ủy ban MTTQ cấp xã chủ trì giám sát 224 chuyên đề; các ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức 307 cuộc giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền, giải quyết 46 vụ việc; các ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức 696 cuộc giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết gần 100 vụ việc.

Nội dung giám sát do ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ trì, tập trung vào các chuyên đề, như: Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chủ tịch UBND cấp xã; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo… Ban thanh tra nhân dân giám sát tập trung  chủ yếu về thi công các công trình xây dựng cơ bản tại địa phương; giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới…

Qua các hội nghị về hoạt động giám sát, các đại biểu và cử tri đều đánh giá cao vai trò hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội. Ông Nguyễn Thế Đề, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, đánh giá: “Nếu như trước kia, hoạt động giám sát của MTTQ qua loa, đại khái thì nay ngày càng đi vào nền nếp, thực chất. Nhiều nội dung bất cập về cơ chế, chính sách trong thực tiễn được chỉ ra thông qua hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ”.

Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên của Hội đồng tư vấn đóng góp trong lĩnh vực giám sát. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong hoạt động giám sát. Đối với giám sát đầu tư cộng đồng, MTTQ tỉnh Thái Nguyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giám sát cho các thành viên ban công tác Mặt trận thôn, xóm, tổ dân phố; thành viên ban giám sát đầu tư cộng đồng để nâng cao năng lực giám sát.

Sông Hương - Báo Thái Nguyên