Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

(Mặt trận) -Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm hoàn thành Chương trình theo đúng kế hoạch đề ra.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

 Gia đình chị Nông Thị Xuân (dân tộc Sán Dìu, xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) rất phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới.

Hơn một tuần nay, các cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ làm việc không kể ngày đêm. Được giao là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát (viết tắt là Ban Chỉ đạo) của huyện trong việc rà soát số hộ dân đang ở trong những ngôi nhà tạm, dột nát, các cán bộ của phòng thường xuyên bám sát địa bàn, kể cả các xóm, bản vùng cao để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Hỷ, hiện nay, phòng chuyên môn đang hoàn thiện hồ sơ đối với các hộ được rà soát. Theo yêu cầu của tỉnh cũng như để thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý, giám sát, huyện đã lập hồ sơ điện tử đối với tất cả các hộ nằm trong diện rà soát… Điểm khác biệt của Đồng Hỷ so với các địa phương khác là đã ban hành một văn bản (biên bản khảo sát nhà tạm, nhà dột nát) phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn nhưng vẫn bảo đảm các thông tin theo yêu cầu của tỉnh.

Từ thực tế cho thấy, huyện Đồng Hỷ đang vào cuộc rất tích cực với mong muốn triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt kết quả cao nhất. Ban Chỉ đạo cấp huyện nhanh chóng được thành lập (từ ngày 18-10), do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện làm Phó ban Thường trực.

Đồng chí Vũ Quang Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Huyện đã thành lập 3 tổ công tác để hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Theo đó, chúng tôi phấn đấu đến tháng 3-2025 sẽ hoàn thành, bàn giao những ngôi nhà đủ điều kiện để xây dựng; đến hết tháng 6 sẽ hoàn thành những trường hợp còn lại (hiện vướng mắc về thủ tục pháp lý).

Tương tự huyện Đồng Hỷ, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang dồn lực để thực hiện rà soát các đối tượng được hưởng thụ theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các thành viên ban chỉ đạo của các huyện, thành phố trong tỉnh đã kịp thời rà soát, thống kê số nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 2446-CV/TU ngày 15/10/2024 của Thường trực Tỉnh ủy (hiện chưa có con số cuối cùng). Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đến các xã, thôn, tổ dân phố rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết, chính xác từng hộ gia đình, cá nhân, đối tượng được thụ hưởng. Đặc biệt, không ít hộ dân, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn chủ động xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh cũng đã tiếp sức để các hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ, cho biết: Hằng năm, từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” và huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ khác, Đồng Hỷ đã hỗ trợ được nhiều hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở xây mới, sửa chữa nhà. Trong năm 2024, địa phương đã hỗ trợ xây dựng 38 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là gần 2 tỷ đồng…

Hiện nay, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được các địa phương trong tỉnh thực hiện rất quyết liệt. Mặc dù vậy, quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, như: Các hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát sinh sống phân tán, không tập trung.

Một số hộ có nhu cầu hỗ trợ nhưng giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất ở (bìa đỏ) chưa bảo đảm (nhiều hộ đang sinh sống ở khu vực rừng sản xuất, rừng phòng hộ, khu vực không nằm trong khu quy hoạch khu dân cư…), chưa có sự đồng thuận trong gia đình. Điều đáng lưu tâm nữa là mặc dù được hỗ trợ nhưng một số hộ do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có khả năng đối ứng để xây mới, sửa chữa nhà ở…

Trước những khó khăn nêu trên, các địa phương đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp gỡ khó. Đơn cử như tại huyện Đồng Hỷ, Ban Chỉ đạo của huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, hỗ trợ những hộ dân đủ điều kiện hoàn thành các thủ tục pháp lý để việc xây dựng, sửa chữa nhà ở của người dân nhanh chóng được triển khai.

Cùng với đó, các địa phương cũng đã tính đến phương án xã hội hóa để huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ dân đang ở nhà tạm, nhà dột nát có đủ điều kiện về mặt pháp lý nhưng chưa có kinh phí đối ứng xây dựng, sửa chữa nhà ở…

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Với sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân, tin rằng Chương trình này sẽ được tỉnh Thái Nguyên hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Tùng Lâm