Thái Nguyên: Chung sức xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Tại tỉnh Thái Nguyên, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu, ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí. Các phong trào xây dựng hộ gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao được các địa phương quan tâm và tập trung nhân rộng.

Hà Giang: Xuân đến sớm với người dân khu tái định cư sau lũ Quang Bình

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 109/137 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Toàn tỉnh có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn. Về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, toàn tỉnh Thái Nguyên có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu.

Ông Phạm Thái Hanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Thái Nguyên cho biết, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và triển khai nhiều hoạt động hướng về cơ sở. Qua đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM ở từng địa phương.

 Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn Thái Nguyên được đầu tư, xây dựng ngày càng khang trang

Thông qua phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” tỉnh đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2025 có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2025, tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng nông thôn mới đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.

Phú Bình quyết tâm phấn đấu về đích huyện nông thôn mới 

Những năm qua, Phú Bình là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản được huyện quan tâm chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp. Định hướng, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề và trang trại đã được đổi mới về công tác quản lý, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia liên kết sản xuất chuỗi, đa dạng hóa các loại hàng hóa nông lâm, thủy sản và nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm phù hợp với sản xuất của từng vùng, địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 56 hợp tác xã, 254 trang trại và 10 làng nghề đã và đang duy trì hoạt động, góp phần tạo việc làm cho lao động, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

 Phú Bình là một trong những huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tiêu chí giao thông cũng được huyện Phú Bình đặc biệt coi trọng. Đến nay, toàn huyện đã và đang triển khai thực hiện hơn 540 công trình dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông then chốt, với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm như: Tuyến đường vành đai V kết nối các khu, cụm công nghiệp huyện Phú Bình với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang; khu công nghiệp Điềm Thụy,... được nâng cấp mở rộng. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi vượt bậc, góp phần thu hút các nhà đầu tư vào huyện, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Thanh Giao, Phụ trách Đảng bộ huyện Phú Bình khẳng định, được sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ, ủng hộ của cấp trên, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Phú Bình đã và đang quyết tâm vào cuộc tích cực, khẩn trương gấp rút hoàn thiện các nội dung, công việc còn lại đạt hiệu quả tốt nhất. Đó sẽ là cơ sở cho Trung ương và tỉnh về thẩm định, kiểm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Phú Thịnh huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa

Phú Thịnh là một trong 2 xã về đích nông thôn mới trong năm 2023. Bằng sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã, trong năm 2022 xã Phú Thịnh đã tập trung mọi nguồn lực khởi công xây dựng 4 nhà văn hóa xóm là: Xóm Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Xóm Gò, xóm Làng Thượng.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm Phú Thịnh 1 và Phú Thịnh 2 ước tính đều trên 500 triệu đồng. Trong đó cấp trên hỗ trợ 100 triệu đồng và xi măng xây dựng các công trình phụ trợ, số còn lại do nhân dân và con em xa quê đóng góp, ủng hộ. Trong quá trình thi công, Ban công tác Mặt trận đã phân công cụ thể người giám sát chặt chẽ để các công trình được đảm bảo chất lượng. Ban công tác Mặt trận luôn công khai rõ ràng các khoản thu, chi nên nhân dân rất tin tưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng (Xóm Phú Thịnh 1, xã Phú Thịnh) chia sẻ, xây dựng được nhà văn hóa xóm khang trang là niềm mong mỏi bấy lâu nay của bà con. Với sự vận động tích cực của chính quyền địa phương, toàn thể hộ dân trong xóm đã cùng đóng góp mỗi khẩu 1,2 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. 

Nhằm giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng nhà văn hóa, xã Phú Thịnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức phong phú: Tuyên truyền trong các cuộc họp chi bộ, họp xóm, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã, lồng ghép trong các chương trình, hội thi văn nghệ… Việc xây dựng nhà văn hóa xóm theo tiêu chí nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân. Đây chính là việc làm thể hiện sức mạnh của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thịnh.

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. 

Thùy Trang