Thái Bình: Phát triển hợp tác xã theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm

(Mặt trận) - Những năm tới, tỉnh Thái Bình tập trung phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại; tập trung xây dựng các HTX, liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có lợi thế về sản lượng, chất lượng, có giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định, huyện Kiến Xương thực hiện dịch vụ thu hoạch lúa cho nông dân 

Liên kết với doanh nghiệp còn ít, tính bền vững chưa cao

Hết năm 2020, toàn tỉnh Thái Bình có 331 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Các HTX chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Hoạt động của các HTX góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.

Doanh thu bình quân 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 1.550 triệu đồng, lãi bình quân đạt 85 triệu đồng/HTX. Nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa... thể hiện rõ vai trò trong việc định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển, làm cấu nối gắn kết sản xuất của nông dân với doanh nghiệp; nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của thành viên từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường.

Tiêu biểu, có thể kể đến HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định, huyện Kiến Xương, thực hiện 11 khâu dịch vụ (cao hơn 7 dịch vụ so với mức bình quân chung toàn tỉnh), trong đó có nhiều dịch vụ mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho các thành viên. Cụ thể như liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tín dụng nội bộ; vệ sinh môi trường; quản lý chợ... với tổng doanh thu mỗi năm trên 13 tỷ đồng. Các vùng sản xuất lúa giống diện tích 100 - 200ha/vùng, ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất cây màu giá trị cao của các HTX nông nghiệp: Đông Quý (huyện Tiền Hải); An Mỹ, An Thanh, Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ); Thái Thọ (huyện Thái Thụy); Hồng Minh (huyện Hưng Hà)...

Tuy nhiên, theo thống kê, 80% HTX nông nghiệp làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm nhưng hiệu quả kinh tế, tính bền vững không cao, do đó chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường. Số doanh nghiệp hợp tác với HTX để tiêu thụ sản phẩm còn khá khiêm tốn do việc đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro; chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dù đã có nhưng chưa đồng bộ hoặc chưa đủ sức hấp dẫn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 dự báo xu hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn này là yêu cầu ngày càng cao về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao và an toàn, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm. Xu hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tập trung đòi hỏi phải thực hiện liên kết ngang giữa những người sản xuất và liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm, lựa chọn mô hình hợp tác, liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng là tất yếu.

Do đó, những năm tới Thái Bình tập trung phát triển các HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại; trên tinh thần lấy hợp tác làm trọng tâm để thúc đẩy sự liên kết ngang trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung xây dựng các HTX, liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có lợi thế về sản lượng, chất lượng, có giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác tỉnh, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường, môi trường kinh doanh. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm của kinh tế tập thể. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin thị trường và khách hàng cho các HTX.

Khuyến khích các HTX tích cực tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hội nghị, triển lãm, hội chợ, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh; tiếp cận, tham gia mạnh vào hoạt động thương mại điện tử. Hỗ trợ các HTX cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để HTX tham gia xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị làm cơ sở để triển khai nhân rộng...

Cùng với đó, tiếp tục vận động thành lập các đơn vị kinh tế tập thể mới, nhất là tại các xã nông thôn mới bảo đảm hoạt động đúng nguyên tắc của Luật Hợp tác xã năm 2012; vận động phát triển tổ, nhóm, câu lạc bộ hợp tác ở các tổ chức đoàn thể, chú trọng chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, làm cơ sở để phát triển thành các HTX.