(Mặt trận) -Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, người uy tín trên địa bàn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng luôn phát huy trách nhiệm, là nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động và trực tiếp tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.
|
Ông Nông Văn Thục, (thứ 2 từ phải qua), người có uy tín xóm Nặm Nà, xã Kim Đồng (Thạch An) vận động nhân dân hiến đất làm đường liên xóm. |
Một trong những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” là cần phát huy vai trò chủ thể và trung tâm của người dân, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, phát huy nội lực góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Thạch An tích cực vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức lao động, hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng cơ sở với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”. Từ đó, các tiêu chí xã NTM thuộc về trách nhiệm của hộ gia đình được người dân chủ động thực hiện.
Trong các hạng mục xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạng mục xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cần sự chung tay đóng góp của người dân nhiều nhất. Người có uy tín đã sáng tạo, linh hoạt, kiên trì bằng nhiều hình thức vận động, thuyết phục để đồng bào hiểu được lợi ích của xây dựng các hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như vai trò, trách nhiệm của họ trong hoạt động này. Tiêu biểu có ông Trần Thanh Tịnh, người uy tín xóm Đức Hạnh, xã Quang Trọng tuyên truyền, vận động đồng bào đóng góp trên 88 triệu đồng, 3.000 ngày công lao động, hiến trên 9.000 m2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn, làm bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ông Triệu Ngọc Thắng, người có uy tín thôn Nà Lình, xã Lê Lai có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương. Thôn Nà Lình có 64 hộ, trong đó có đến 59 hộ dân hiến đất phục vụ các công trình hạ tầng thôn xóm. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động của ông Triệu Ngọc Thắng. Tại xóm Bản Pò, xã Đức Long, khi có dự án xây dựng bãi rác thải Lũng Tàn, cần thu hồi một số diện tích đất của người dân, song qua nhiều lần vận động tập trung, người dân chưa đồng thuận, ông Nông Thanh Sơn, người có uy tín tích cực kết hợp tuyên truyền chung và vận động từng hộ có đất bị thu hồi, dần dần nhân dân đồng thuận giao đất cho thực hiện dự án với diện tích 3 ha (13 hộ bị thu hồi đất).
Ông Nông Văn Thục, người uy tín xóm Nặm Nà, xã Kim Đồng cho biết: Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tôi cùng các đồng chí trong chi bộ, Ban công tác Mặt trận xóm kiên trì vận động bà con từng bước thay đổi nhận thức để tự giác tham gia thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí vệ sinh môi trường, hộ nghèo và giao thông. Riêng năm 2023, qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con đồng tình hiến 3.000 m2 đất làm tuyến đường Nặm Thổ - Ngà Ngườm dài 1.000 m.
Nhiều người uy tín trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, là tấm gương sáng trong thực hiện các chương trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Vận động đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế, như mô hình cây lá dong, cây thạch đen, nuôi ốc xen canh, nuôi ốc nhồi, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; giúp hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thôn Tân Hợp, xã Canh Tân có 73 hộ dân, trong đó có trên 30 hộ dân tộc Dao. Trước đây, các hộ chỉ trồng ngô, lúa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng, ông Triệu Văn Phúng dành nhiều thời gian đến từng nhà để trò chuyện, nắm bắt tâm tư của bà con, hướng dẫn bà con thay đổi nếp sống, sinh hoạt và sản xuất như: trồng cây có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để vươn lên thoát nghèo. Bà Lý Thị Lả, dân tộc Dao, người có uy tín xóm Tân Hòa, xã Canh Tân vận động các hộ nghèo chuyển đổi mô hình sản xuất sang trồng cây thạch đen, đồng thời kết hợp trồng cây lâm nghiệp để phủ xanh đất trống đồi trọc.
Để chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo triển khai đạt hiệu quả, nhiều người uy tín tích cực tuyên truyền cho các hộ gia đình nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; vận động các hộ gia đình được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà dột nát huy động thêm các nguồn lực khác để hoàn thiện nhà ở. Như ông Đinh Văn Chấn, người có uy tín xóm Bó Dường, xã Vân Trình chủ động phối hợp chính quyền địa phương tổ chức rà soát về tình hình nhà ở của các hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xóm vận động người dân trong cộng đồng dân cư giúp đỡ ngày công lao động cho các hộ nghèo thực hiện xây mới, sửa chữa nhà, qua đó giúp trên 200 ngày công lao động. Với cách làm này, nhiều hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát đã xây dựng, sửa chữa nhà ở với số tiền lớn hơn nhiều lần kinh phí được hỗ trợ.
Toàn huyện Thạch An hiện có 95 người uy tín. Thực tế cho thấy, những đóng góp trong xây dựng NTM của họ được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Trong phát triển kinh tế, thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, từ năm 2019 đến nay, huyện triển khai và bước đầu đã có những sản phẩm hàng hóa nông sản sạch được thị trường đón nhận như thạch đen, lê vàng, bí hương…; phát triển các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Đến nay, huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 4 xã đạt 9 tiêu chí. Các xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ gia đình có thu nhập cao ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm theo từng năm, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch An Nông Thanh Toại cho biết: Đội ngũ người có uy tín thực sự phát huy vai trò của mình ở khu dân cư, thôn bản và cộng đồng người dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các quy ước, hương ước cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bài trừ tệ nạn xã hội… Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được tầm quan trọng các giá trị văn hóa và tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, họ đã tích cực tuyên truyền và phân tích cho đồng bào hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, từ đó phá tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng thế trận toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đấu tranh phòng, chống truyền đạo trái phép, các tổ chức bất hợp pháp tuyên truyền vào địa phương, góp phần ổn định tình hình trật tự trị an trên địa bàn huyện./.
Xuân Thương