Tết đến trong những căn nhà mới

(Mặt trận) -Nhiều người nghèo được đón Tết trong những căn nhà mới thuộc chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, kịp “an cư lạc nghiệp” ngay từ đầu năm mới Ất Tỵ 2025.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Phấn khởi có ngôi nhà mới

Gia đình anh Vy Văn Hinh thuộc hộ cận nghèo, dân tộc Nùng, ở thôn Khòn Sày, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đang hoàn thiện căn nhà mới rộng 60 m2 trên nền căn nhà cũ mục nát để đón xuân. Anh Hinh bày tỏ: “Từ nay không phải lo lắng mỗi khi mưa gió rét. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã hỗ trợ giúp tôi có nhà mới để ở...”.

 Nhà mới của gia đình anh Vy Văn Hinh (Lạng Sơn) đang dần hoàn thiện đón năm mới.

Ông Đỗ Tiến Tài là thương binh hạng 2/4 (ở thôn Thù Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024. Căn nhà mới của gia đình ông rộng gần 100 m2 đang được hoàn thiện để kịp đón năm mới. “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà cấp 4, rộng 30 m2 đã xuống cấp. Tháng 7/2024, được sự hỗ trợ của địa phương từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ xoá nhà tạm và sự hỗ trợ của người thân, tôi bắt tay xây dựng nhà mới…”, ông Tài chia sẻ.

Còn bà Huỳnh Thị Hồng (sinh năm 1967, ngụ ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) trong căn nhà mới được xây dựng từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương, hạnh phúc nói: “Có nhà mới tôi vui lắm. Căn nhà do lực lượng công an hỗ trợ xây dựng, gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, neo đơn và bản thân đang mắc bệnh về xương khớp, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, tôi không thể có nhà mới đón Tết...”

Sư cả Trương Văn Biền, trụ trì chùa Giồng Lớn (chùa Phnô Đun, xã Đại An) cho biết, với những hộ dân được nhận nhà mới là ước mơ lớn. Người dân được lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ nguồn lực, nhân lực, vật liệu xây dựng... đều phấn khởi, giữ niềm tin với Đảng, với đất nước.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh có trên 2.470 hộ thuộc diện có nhà tạm, nhà dột nát, xuống cấp, cần được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Cuối năm 2024, tỉnh đã hoàn thành xây mới 951 căn nhà cho hộ người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tỉnh còn 1.571 căn nhà cần sửa chữa và phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

"Dự kiến, nguồn kinh phí để hỗ trợ xây nhà mới, sửa chữa nhà ở của địa phương khoảng 222 tỷ đồng. Để đảm bảo kinh phí, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động mỗi tổ chức xã hội, đoàn thể, sở, ban, ngành... đảm nhận hỗ trợ một nhà. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người dân, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh có thể ủng hộ bằng tiền hoặc vật liệu xây dựng, ngày công lao động, tùy vào khả năng, điều kiện...”, ông Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ.

Để hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp” cho hàng nghìn người dân, từ năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 21, về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ, sửa chữa, xây dựng nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở. Trong số 17.761 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, trong năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ xây mới 3.347 căn nhà, sửa chữa được 11.787 nhà. Trong năm 2025, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu xoá gần 6.000 nhà tạm trên cơ sở tiếp tục huy động sức mạnh cộng đồng hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo tiền đề cho hộ nghèo có chỗ ở ổn định để tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Để người dân có những căn nhà mới kịp đón Tết Nguyên đán, chính quyền các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ. Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định: Dịp cuối năm, việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có nhiều thuận lợi. Tại Hội nghị Trung ương 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh: “Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”. Quốc hội cũng đã thống nhất cho phép sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2025 để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương đang sát sao chỉ đạo triển khai Chương trình bằng nhiều công điện, chỉ thị, kết luận. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, triển khai có trách nhiệm và nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

“Nguồn tài chính cho chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cơ bản chuẩn bị đủ theo quy định gồm 5.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 và nguồn hỗ trợ từ chương trình huy động của Trung ương (khoảng 6.000 tỷ đồng). Đối với nguồn lực huy động tại cơ sở, các địa phương cần đề cao tinh thần tự lực, từ cường, đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ; tuyên truyền, thuyết phục các hộ gia đình được hỗ trợ tự bảo đảm một phần như tiết kiệm của gia đình, vay ngân hàng chính sách, kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ về kinh phí, nhân lực”, ông Nguyễn Lê Bình cho hay.

Để bảo đảm triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn quỹ từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ Vì người nghèo do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quản lý, các địa phương rà soát, phê duyệt danh sách cụ thể từng hộ gia đình có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà ở làm căn cứ hỗ trợ, kiểm tra.

Xuân Cường - Văn Đạt - Duy Hưng