Tánh Linh (Bình Thuận): Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các phong trào thi đua ở địa phương

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp huyện Tánh Linh đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần đưa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, phòng chống tội phạm đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Ông Nguyễn Như Hùng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tánh Linh cho biết: Xác định tầm quan trọng của mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức thành viên hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức thành viên cùng cấp xác định nội dung mô hình tự quản cụ thể, phù hợp, sát với đặc thù của từng khu dân cư. Việc xây dựng mô hình khu dân cư tự phòng, tự quản tập trung vào những nội dung chủ yếu như thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tại địa phương.

 Mô hình “Cổng chào thôn xóm” tại xã Suối Kiết.

Theo đó, hoạt động của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện luôn gắn với việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, hệ thống MTTQ Việt Nam hai cấp trong huyện đã xây dựng tổng cộng 56 mô hình với 803 thành viên tham gia. Trong đó, về lĩnh vực an ninh trật tự có 48 mô hình, với 690 thành viên tham gia. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, như mô hình: “Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”, “Khu dân cư phòng chống tội phạm, ma túy”, mô hình “Khu dân cư phòng, chống bạo lực gia đình”.

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, có 8 mô hình với 113 thành viên tham gia. Nhiều mô hình đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với việc bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ vào thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhất là làm thay đổi nhận thức về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường chung của cộng đồng cư dân, tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm nhiều so với trước, môi trường sống của người dân được cải thiện đáng kể. Điển hình, tại xã Suối Kiết có mô hình “Cổng chào thôn xóm”, Mặt trận đã phối hợp vận động mạnh thường quân trong và ngoài địa phương, các hộ gia đình buôn bán, kinh doanh có thu nhập, xây dựng được 9 cổng chào, bình quân mỗi cổng chào trị giá 15 triệu đồng, góp phần làm cho bộ mặt ở từng thôn, xóm, khu dân cư khang trang, sạch, đẹp. Mô hình này hiện được xã Đức Phú học tập kinh nghiệm và triển khai tại địa phương. Ngoài ra, tại xã Đức Phú, đã triển khai hiệu quả mô hình: “Không xịt thuốc cỏ trong khu dân cư” và mô hình “Không rải vàng mã trên đường khi đưa tang”. Mô hình này được Mặt trận xã tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo UBND, Mặt trận, các đoàn thể trong xã tập trung tuyên truyền cho nhân dân về tác hại của ô nhiễm môi trường, từ đó vận động nhân dân thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu dân cư xanh - sạch - đẹp. Đối với mô hình không xịt thuốc cỏ trong khu dân cư được xã Đức Phú triển khai vận động nhân dân thực hiện từ năm 2008, đến nay có 99,54% hộ gia đình trên toàn xã thực hiện. Đối với mô hình không rải vàng mã trên đường khi đưa tang bắt đầu triển khai vận động vào năm 2017, đến nay 100% đám tang trên địa bàn xã không rải vàng mã trên đường khi đưa tang.

Theo ông Hùng, việc xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư trên địa bàn huyện do người dân tự nguyện, tự giác tham gia. Vì vậy, có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Từ việc thực hiện mô hình tự quản, nhân dân đã tham gia các hoạt động theo hướng tích cực, trách nhiệm hơn, tự giác hơn. Tình làng nghĩa xóm của các gia đình trong khu dân cư được gần gũi, gắn bó, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau được phát huy, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Mặt khác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thôn, khu phố được nâng cao, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

N.B