(Mặt trận) -Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần củng cố tiêu chí huyện nông thôn mới và hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao.
|
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác, chị Nguyễn Thị Cưng (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) có vốn đầu tư nuôi thỏ, vươn lên thoát nghèo |
Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn, áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế; hướng dẫn các hộ dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; tranh thủ sự hỗ trợ của mạnh thường quân để giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, thông qua chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hộ nghèo, người thiếu việc làm có điều kiện lao động, phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hỗ trợ giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội,... góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Năm 2022, huyện có 473 hộ nghèo; tính đến tháng 6/2023, giảm còn 385 hộ nghèo.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Trụ, chị Nguyễn Thị Cưng (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi thành công. Từ 2 cặp thỏ ban đầu, đến nay, chị có một trang trại thỏ với số lượng gần 1.000 con. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, chị có lợi nhuận trên 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ cho gia đình trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Trang trại thỏ cũng tạo việc làm cho một vài hội viên phụ nữ tại địa phương.
Theo chị Cưng, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình có điều kiện đầu tư, mở rộng chăn nuôi và đã thoát nghèo bền vững. “Mấy chị em làm việc tại trang trại đều có hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng mong muốn hỗ trợ, chia sẻ để cùng nhau vượt khó” - chị Cưng nói.
Theo đại diện Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Trụ, đơn vị chủ động phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế của các đối tượng thụ hưởng. Trong đó, nguồn tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo, hỗ trợ giải quyết việc làm,... phát huy hiệu quả. Các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tiếp cận thuận lợi nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, có điều kiện ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Minh Trí thông tin: Huyện luôn chú trọng công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Để hướng đến giảm nghèo bền vững, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Huyện triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo lồng ghép các chương trình, dự án khác được triển khai trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp với các chính sách phát triển KT-XH và giảm nghèo của huyện.
Cả hệ thống chính trị của huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức của người nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên. Đồng thời, huyện tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài nước, trong đó, ưu tiên nhóm hộ gia đình thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; tập trung đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với định hướng phát triển nghề nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025./.
Thanh Mỹ