(Mặt trận) -Nằm ngay trung tâm huyện Quảng Xương, thị trấn Tân Phong, tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 14,63 km2, quy mô dân số gần 25.000 người. Thị trấn Tân Phong được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và quy mô dân số của 3 đơn vị là thị trấn Quảng Xương và 2 xã Quảng Phong, Quảng Tân. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện Quảng Xương, thị trấn Tân Phong có lợi thế đắc địa về giao thông khi Quốc lộ 1A đi qua địa bàn, tiệm cận sự phát triển của trung tâm kinh tế sôi động nhất tỉnh là TP Thanh Hóa.
|
Thị trấn Tân Phong khẩn trương hoàn thiện hệ thống cống rãnh, vỉa hè trên các tuyến đường. |
Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND huyện Quảng Xương về việc triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn huyện Quảng Xương; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “Xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2022”. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng thị trấn Tân Phong phát triển toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh”.
Để phát triển kinh tế theo hướng đô thị, thị trấn Tân Phong đã khuyến khích Nhân dân chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại và công nghiệp như giày da, may mặc, điện tử, cơ khí, điện dân dụng; vận động các hộ sản xuất, kinh doanh thành lập doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 1.152 hộ tham gia dịch vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó có 817 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại với 2.242 lao động dịch vụ và 3.695 lao động tham gia tại các nhà máy, doanh nghiệp, tổng thu từ dịch vụ - thương mại trong 6 tháng đầu năm đạt 492,57 tỷ đồng.
Cùng với dịch vụ - thương mại, thị trấn Tân Phong tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, giảm dần diện tích gieo trồng hiệu quả thấp sang trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Các hộ đầu tư mô hình chăn nuôi cá nước ngọt, các cơ sở sản xuất giống thủy sản như cá cảnh, ốc nhồi thương phẩm và một số loại giống thủy sản khác ngày càng được mở rộng. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 136 hộ nuôi trồng thủy sản, 117 hộ sản xuất giống thủy sản với diện tích hơn 85 ha.
Để đáp ứng tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng đô thị, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trấn Tân Phong đã đầu tư mở rộng và nâng cấp tuyến đường chính đi vào nhà văn hóa Đồng Thanh; Trường THCS Tân Phong 2; đường phía Bắc Trường Trung cấp nghề Quảng Xương. Thị trấn cũng đã hoàn thiện, nghiệm thu và đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Tân Phong 3; Trường Mầm non Tân Phong 3; trạm y tế; khu vui chơi các nhà văn hóa... Đồng thời, hoàn tất thủ tục, chuẩn bị khởi công xây dựng công trình như mương thoát nước Ước Ngoại, đường điện và mương thoát nước Xuân Uyên; tuyến đường từ Trường Tiểu học Tân Phong 3 đi nhà văn hóa Tân Thượng; khuôn viên công sở thị trấn; nhà hội trường thị trấn... với tổng kinh phí thực hiện hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, nhu cầu về chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, làm đẹp khuôn viên nhà ở ngày càng tăng, thị trấn đã làm thủ tục hồ sơ đề nghị cấp phép cho 32 hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở đô thị. Thường xuyên phối hợp Cục Quản lý đường bộ, Công ty Quản lý đường bộ 472, Công an huyện tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, giải tỏa hành lang giao thông dọc tuyến Quốc lộ 1A, tháo gỡ, thu giữ trên 40 biển quảng cáo vi phạm... Bước đầu đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như giữ gìn trật tự đô thị trong quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó, xác định công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, việc xét và khen tặng các danh hiệu nói trên luôn được ban chỉ đạo thị trấn và các thôn, khu phố chú trọng, xem đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để xây dựng các thôn, khu phố văn hóa, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đồng chí Nguyễn Trọng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phong, cho biết: Thời gian qua thị trấn Tân Phong đã tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, ưu tiên đầu tư các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, triển khai và thực hiện tốt quy hoạch được phê duyệt. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ; gắn với sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, kết hợp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm không ngừng nâng cao mức thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, có hành động cụ thể trong việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; thực hiện tốt về trật tự xây dựng đúng quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, đặt bảng hiệu sai quy định; thường xuyên ra quân kiểm tra, kiên quyết xử lý nếu có trường hợp vi phạm. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; sửa đổi phong cách, lề lối làm việc; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, quyết tâm xây dựng thị trấn Tân Phong đạt chuẩn đô thị văn minh vào cuối năm 2022; xứng đáng là đơn vị trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện Quảng Xương.
Công Quang