Tấm gương vươn lên thoát nghèo, quyết tâm làm giàu chính đáng của người cán bộ Mặt trận xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên

(Mặt trận) -Đến thăm nhà anh Vừ A So - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, đối với chúng tôi - những đồng nghiệp làm công tác trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên là những bất ngờ nối tiếp bất ngờ, bởi hai lý do sau: một là, những thay đổi tại nơi anh cùng gia đình định cư (lần đầu tiên vào chỗ ở của anh chỉ có một gian nhà tạm ven sông, lần này mặt bằng đã được san ủi rộng hơn, có nhiều hộ gia đình bên cạnh, nhà của anh cũng khang trang hơn); hai là, trong ánh mắt của người cán bộ Mặt trận luôn bừng cháy khát vọng mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Yên Phong không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Nhiều dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2019-2024

Vừ A So vừa bước sang tuổi 29, sinh ra và lớn lên tại bản Hồng Ngài, xã Huổi Só, trong gia đình có 7 anh em người Mông, là em út trong nhà, vì không có điều kiện nên gia đình cố gắng cho So học hết lớp 12. Sau học xong phổ thông, có khi tưởng như cuộc sống rồi cũng gắn bó với những mảnh đất nương từ bao đời nay, nhưng suy nghĩ của người thanh niên trẻ không giống như số nhiều bạn bè cùng lớp, So tưng bước tiếp cận và không ngừng theo đuổi những cách làm kinh tế để quyết tâm có một cuộc sống tốt hơn.

Cuộc sống luôn có những trình tự, với So cũng không phải ngoại lệ, anh bắt đầu làm kinh tế từ việc đơn giản và quen thuộc với bà con người Mông nhất, đó là nuôi lợn. Sau gần một năm thuận lợi, đàn lợn của So được hơn 50 con, So quyết tâm thử sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mà ở xã Huổi Só chưa có ai làm: Nuôi cá lồng bè trên sông. Đây là suy nghĩ đã thay đổi cả cuộc sống và suy nghĩ không chỉ của riêng So mà còn là của cả gia đình anh, của nhiều người dân trong xã Huổi Só.

Năm 2014, anh được bầu vào làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Huổi Só, So quyết định bán cả đàn lợn để đầu tư vào 12 lồng nuôi cá và đóng 3 chiếc thuyền trị giá 60 triệu đồng để tiện cho việc di chuyển trên sông. Lấy cá lăng làm trung tâm trong mô hình, anh So nuôi thêm một số giống cá khác như: Trê lai, chép, trắm… ước tính sản lượng cá trong các lồng mà anh So nuôi có thể đạt gần 1 tấn. Nhiều nhất thì vẫn là cá lăng, một giống cá đòi hỏi kỹ thuật nuôi phức tạp hơn các giống khác. Lúc đó, So đầy hứng khởi với những kết quả đạt được ban đầu.

Nhưng quyết tâm thì chưa đủ để thành công, do chưa có kinh nghiệm nên 2 năm đầu 2015-2016 không có lợi nhuận. Khi chúng tôi vào thăm lần đầu tiên vào đầu năm 2018, đàn cá đã tăng trưởng thuận lợi, có khả năng thu hoạch cao thì mùa mưa bất thường vài tháng sau đã mang cơn lũ bất ngờ tràn đến và cuốn lồng bè của So trôi xa hơn 2Km, nhớ lại ngày mưa bão hôm đó, So trầm ngâm: “Đi kéo lồng về mệt lắm anh ạ, vì nó rất nặng, mất gần một ngày xoay sở để e kéo về vị trí cũ, cá thì chẳng còn con nào, lúc đấy e nghĩ mình sẽ về nuôi lợn như xưa thôi”. Từ khi khởi nghiệp đã 4 năm, năm nào với So cũng chỉ là những bấp bênh bất ổn và thất bại nhiều hơn thành công.

 (Khởi nghiệp từ những lứa cá lăng đầu tiên với số vốn ít ỏi vài chục triệu đồng…)

Những tưởng khó khăn chồng chất khó khăn sẽ làm chùn bước người cán bộ Mặt trận trẻ tuổi, thì trong giai đoạn cuối năm 2018, đầu năm 2019 đến với So như một khúc quanh khác trên con đường lập nghiệp. Không bỏ cuộc, quyết tâm gây dựng lại lồng bè và tìm hướng đi mới, nhận thấy cơ hội vận tải đường sông rất lớn tại đây, So thu nhỏ mô hình nuôi cá lồng, chuyển sang vận tải hàng hóa, nông sản trên sông. Quyết định bán 2 trong 3 chiếc thuyền bé, So dồn vốn đóng thuyền 50 tấn, chuyên chở hàng hóa, chủ yếu là nông sản như sắn, ngô xuống Quỳnh Nhai để tiêu thụ, mỗi chuyến cả đi cả về lãi 6-7 triệu, mỗi tháng cao điểm thuyền của So đi được 4-5 chuyến. 5 năm trôi qua, cho đến bấy giờ, So mới cảm thấy yên tâm hơn về con đường mình đã chọn.

Mạnh dạn vay vốn ngân hàng Chính sách 220 triệu đồng, So tiếp tục dồn tất cả tiền đã có của gia đình quyết định đóng một chiếc thuyền lớn 2 tầng với tổng trọng tải 150 tấn, tầng dưới có thể chở được máy xúc, máy ủi, các loại hàng hóa, nông sản, tầng 2 dùng để chở khách du lịch. Vừa thuê thợ, vừa tự tay làm, chiếc thuyền của So nổi bật nhất tại bến cảng Huổi Lóng. Tổng kinh phí của thuyền đã vượt tính toán ban đầu 700 triệu, tính ra đến khi hoàn thiện, kinh phí đóng thuyền sẽ hơn 900 triệu đồng. Đó là con số mà lần đầu khi chúng tôi nói chuyện với nhau chẳng ai có thể nghĩ tới, bản thân của chàng trai người Mông cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ sở hữu con thuyền tới gần 1 tỷ đồng.

 (…cho đến con thuyền trị giá gần 1 tỷ đồng trong 5 năm)

Khởi nghiệp khó khăn, đầu tư lỗ nhiều hơn lãi, thất bại là chủ yếu, đóng xong thuyền liệu có thu hồi được vốn không? Bao nhiêu thắc mắc chúng tôi đặt ra, nhưng So không nghĩ nhiều như thế, anh bảo còn nhiều khó khăn lắm, nhưng vẫn tự tin làm, vẫn cố gắng đến khi nào có thể vì mình còn trẻ, còn may mắn hơn nhiều người khác. So bình thản và tự tin bảo rằng trong năm nay và năm sau sẽ cố trả cho xong khoản vay Ngân hàng Chính sách rồi sẽ tiếp tục đầu tư song song giữa nuôi cá với vận tải thuyền, nghĩa là đã có những dự liệu và hoạch định cho con đường phía trước.

Một mình đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huổi Só (khuyết vị trí Chủ tịch sau Đại hội MTTQ xã), So nhận trách nhiệm toàn diện công tác Mặt trận của xã, từ tham gia vận động, tuyên truyền, đến tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua, giám sát, tập huấn… có hôm đến 12 giờ đêm So xong việc về nhà. Bận rộn làm kinh tế, nhưng chưa khi nào bỏ lỡ việc của xã, So luôn được MTTQ huyện Tủa Chùa đánh giá cao về trách nhiệm và thái độ trong công việc.

Việc nhà, việc cơ quan có khi không thể sắp xếp hài hòa, có lúc So đã nghĩ đến việc xin nghỉ, vợ thấy chồng mệt quá cũng khuyên như vậy, nói rằng một chuyến hàng đã bằng bao nhiêu lần phụ cấp. Nhưng rồi nghĩ mình được tín nhiệm của bà con trong xã, công việc cũng có nhiều dở dang và có nhiều điều muốn làm, các đồng chí MTTQ huyện cũng động viên và mong muốn anh cố gắng tiếp tục gắn bó với công tác Mặt trận, So biết rằng mình cần nỗ lực hơn nữa.

 (Vừ A So là đại biểu chính thức của huyện Tủa Chùa dự Hội nghị điển hình tiên tiến MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020-2025)

Những nỗ lực, sự cố gắng trong cả công tác và làm kinh tế của anh Vừ A So đã phần nào có được kết quả tích cực, dù phía trước còn rất nhiều khó khăn và thử thách chờ đợi người cán bộ Mặt trận trẻ tuổi. Là một trong 7 điển hình tiên tiến được vinh danh tại Hội nghị điển hình tiên tiến MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên lần thứ 3, giai đoạn 2020-2025, được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen, Vừ A So xứng đáng là cán bộ Mặt trận tiêu biểu trong việc vươn lên thoát nghèo, quyết tâm làm giàu chính đáng không chỉ trong hệ thống MTTQ tỉnh Điện Biên mà còn là tấm gương, là động lực để những thanh niên người dân tộc Mông tỉnh Điện Biên học tập và noi theo.

Đức Cảnh - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên