Sự vô giá của nghĩa đồng bào

(Mặt trận) - Tôi sẽ luôn khắc sâu trong tâm niệm về sự vô giá của nghĩa đồng bào - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ sau những ngày tham gia đón công dân trở về từ phía Nam.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Phú Yên đã tổ chức 30 chuyến xe đưa hơn 16.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê trong 70 ngày. Ảnh: Báo Công lý 

“Chị ơi, cứu gia đình em với, em không còn tiền ăn, đóng tiền trọ, cuối tuần này chủ nhà yêu cầu trả phòng, nếu vẫn chưa được về, gia đình em không biết tá túc ở đâu, thấy số chị trên mạng nên em liều nhắn tin cho chị”.

“Cô giúp để chị em con về đi học đi cô, chị em con vào Bình Dương mấy tháng hè làm thêm kiếm tiền học mà do bùng dịch bị mắc kẹt, con đăng ký lâu rồi mà chưa được vào danh sách cô ơi”...

Đó là nội dung của hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn mà chúng tôi nhận được trong quá trình tổ chức chuyến xe đưa công dân Phú Yên tạm trú tại các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch theo kế hoạch của tỉnh.

Chúng tôi không nỡ ngó lơ hay nói lời chối từ

Giữa tháng 6, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM bắt đầu diễn biến phức tạp, mọi hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí đình trệ. Công dân tạm trú tại TP.HCM, trong đó có người dân Phú Yên bị cuốn phăng theo “cơn bão” Covid, người bị nhiễm, người mất do dịch bệnh, người phá sản, người mất việc hoàn toàn, nhất là lao động tự do.

Trước tình cảnh đó, nhiều người sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam rất mong được trở về quê nhà.

Có rất nhiều lý do để họ không còn sự lựa chọn nào khác, mặc dù trong số đó không ít người vẫn nuôi hy vọng, sẽ cố gắng chờ đợi, nán lại thêm ít ngày, rồi đến ít tuần, biết đâu sẽ có cơ hội làm việc lại, kiếm chút tiền về quê lo cái Tết cho gia đình.

Nhưng thật khó, một người lao động tự do nghề nghiệp không ổn định, không hợp đồng lao động, thu nhập dựa vào đường phố, vào trạng thái bình thường của xã hội thì sống bằng gì khi bắt buộc phải ở nhà, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải trả, tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, con cái, sữa tã...

Hơn hết, dù có kỹ năng sinh tồn giỏi đến đâu, trong nghịch cảnh hay bi thương vây quanh, rồi ai cũng có nhu cầu tìm về miền tự do của sự an toàn, đó chính là về quê, về với gia đình, người thân.

Cũng trong khoảng thời gian này, Phú Yên bất ngờ xuất hiện ca nhiễm Covid đầu tiên. Chỉ chưa đến 1 tháng, tỉnh đã chạm đến con số 1.000 ca bệnh. Đứng trước những khó khăn rất lớn khi cơ sở y tế có quá nhiều hạn chế về sức chống đỡ, mỗi quyết định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đều hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, đứng trước lời khẩn cầu thiết tha của bà con đang xa quê, lãnh đạo tỉnh và chúng tôi không nỡ nào ngó lơ hoặc nói lời chối từ.

Sau khi có chủ trương, một kế hoạch tiếp nhận kèm theo phương án vận chuyển công dân trở về được nhanh chóng phác thảo, kết nối nguồn lực, họp bàn, lên phương án vận chuyển và chính thức ký ban hành chỉ trong 3 ngày.

Đến ngày thứ 5, sau ít ngày các ngành hợp sức làm công tác chuẩn bị thần tốc, đoàn xe Phương Trang bắt đầu khởi hành từ Phú Yên vào TP.HCM để đón dân chuyến đầu tiên.

Cách ngày lại có 1 chuyến xe xuất bến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... vào chiều tối và cập bến rạng sáng hôm sau tại TP Tuy Hòa 

'Cô không biết chữ, xin cháu giữ máy nghe cô giãi bày'

Tôi không bao giờ quên 2 đêm thức trắng chờ đón chuyến xe đầu tiên đưa bà con về đến Tuy Hòa. Cảm xúc vỡ òa vì sung sướng, vì trút bỏ được gánh nặng tâm lý căng thẳng và lo lắng cho một hoạt động với quy mô lớn chưa có trong tiền lệ.

Chúng tôi khi đó vì quá áp lực, đã cố gắng đơn giản hóa các mục tiêu kế hoạch đề ra, chỉ tập trung vào sự an toàn: An toàn di chuyển, an toàn dịch tễ, an toàn về biện pháp phòng chống dịch. Việc khó lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt từ chuyến đầu cho đến chuyến cuối cùng là khâu trích dữ liệu và lên danh sách.

Chúng tôi buộc phải thay đổi cách tiếp cận bằng cách trực tiếp gọi điện thoại tương tác với công dân để hiểu về hoàn cảnh, hỗ trợ họ được vào danh sách đón về quê.  

Chúng tôi từng không giữ nổi bình tĩnh khi nghe Hội đồng hương Phú Yên thông báo đã có hơn 12 ngàn người đăng ký thông qua đường link khảo sát nhu cầu sau khi đưa lên trực tuyến chỉ trong vòng 2-3 ngày. Trong khi đó, theo phương án xây dựng lộ trình vận chuyển và năng lực tiếp nhận, xét nghiệm thì Sở GTVT, Y tế lại yêu cầu không quá 400 công dân/đợt về, mỗi tuần tiếp nhận không quá 800 người.

Với số lượng đăng ký quá lớn, chúng tôi chọn đối tượng ưu tiên là người yếu thế, gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, lao động tự do mất việc không còn chỗ ở. Và chính đối tượng ưu tiên thứ 5 lại là yếu tố khó khăn nhất, gây lúng túng cho bộ phận tiếp nhận dữ liệu rà soát, lựa chọn lập danh sách, bởi qua sàng lọc con số này lên tới gần 10 ngàn người.

Việc công bố đối tượng ưu tiên được chúng tôi xem như lời hứa với dân, mà đã hứa thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải làm sao cho chu đáo, vẹn toàn.

Tôi tin rằng, nếu một vị lãnh đạo nào đó thử dành 1 ngày ngồi tiếp nhận dữ liệu công dân tỉnh mình, lắng nghe họ trình bày, cho dù họ không thuộc đối tượng ưu tiên và được đưa vào danh sách lên xe về quê, hoặc quan điểm của tỉnh chưa thể tiếp nhận người về từ vùng dịch, thì lương tâm một con người cũng không thể cho phép gạt họ ra mà không chìa cánh tay tiếp nhận.

Có hàng ngàn hoàn cảnh, thân phận bi thương mà tôi và anh em tổ dữ liệu, đường dây nóng tiếp nhận được trong suốt hơn 2 tháng. Những đường link công nghệ chỉ giúp công dân thuận lợi trong đăng ký thông tin cơ bản, nhưng không thể giúp họ lột tả hết nỗi đau họ đang gặp phải.

Đấy là khi có người thân mất ở quê nhà muốn được về chịu tang mà không thể. Đấy là cảnh 3 mẹ con mang bụng đói 2 ngày dắt díu nhau đi bộ hơn 10km ra bến xe xin được về quê mà tên không có trong danh sách đăng ký.

Những phím số, phím chữ của điện thoại thông minh hay máy tính cũng trở nên vô nghĩa, vô tình đối với người không biết chữ. Có lần tôi đang ngồi họp, một số máy cứ gọi đến liên tục, tôi không thể nghe mà chỉ nhắn “hãy nhắn tin, mình sẽ đọc sau vì mình đang bận họp” nhưng không có tin nhắn nào gửi lại. Một lúc sau số máy ấy lại gọi, tôi bấm nút nghe.

Đầu dây bên kia vang lên giọng nói rất vội vàng: Cháu ơi cô không biết chữ, xin cháu giữ máy nghe để cô được giãi bày... Tôi nghẹn lại và hiểu rằng chẳng sức mạnh công nghệ nào, bộ tiêu chí nào có thể hóa giải và giúp con người thấu hiểu được nhau bằng sự tận tâm, tận tụy của những người cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.


Trở về nhà 

Mình còn quá may mắn

Hàng trăm tình huống cười ra nước mắt trong câu chuyện lên danh sách công dân về mà bản thân tôi như trở thành “tội đồ” trong mắt của anh em tổ giúp việc, của công dân và của ngành phối hợp bởi những yêu cầu quá cao, quá gấp gáp...

Việc tiếp nhận thông tin, gọi điện thoại hay lên danh sách công dân buộc chúng tôi phải làm liên tục từ sáng đến tối khuya. Sau khi năng lực xét nghiệm máy của CDC tỉnh nâng lên, chúng tôi nâng số lượng người về từ 600-800 người/chuyến.

Điều này đồng nghĩa với việc có những bộ phận bắt buộc phải làm đêm hôm. Cứ 2 ngày một chuyến, để đoàn xe lên đường thì có biết bao con người phải làm việc thầm lặng trong đêm...

Nhưng điều đó có thấm gì so với anh em đồng nghiệp ở các tâm dịch Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Họ 9h tối vẫn còn họp, kết thúc công việc lúc 3h sáng nhưng vẫn dành thời gian trao đổi, thỏa thuận công việc phối hợp với chúng tôi vào bất kỳ lúc nào, có lúc 6h sáng, khi thì 10h tối. 

Những chuyến xe đưa công dân về cứ thế mà lăn bánh mỗi tuần 3 chuyến, chạy khắp các tuyến đường các tỉnh phía Nam, chúng tôi thật khó để định ra tính chất của kế hoạch này, là chiến dịch hay hành trình. Ở khía cạnh nào, điều đó cũng hướng đến sự nhân văn, nặng nghĩa nặng tình, yêu thương đùm bọc người dân mình trước biến động quá lớn của xã hội.

Những người tham gia vào cuộc hành trình này hầu như ai cũng stress. Bởi chỉ cần một chiếc xe chở công dân gặp trục trặc giữa đường hay chỉ cần kết quả xét nghiệm bị trả chậm, trả nhầm, không chính xác sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Một địa phương nếu không làm hết trách nhiệm quản lý đối với người về từ vùng dịch, rất có thể lại có những thảm họa không gì cứu vãn nổi.

Đôi khi trong quá trình điều hành chung, có những phút gắt gỏng, giận dỗi, lúc tranh luận nảy lửa nhưng khi có hoàn cảnh quá đáng thương, chúng tôi lại động viên nhau chịu khó gọi điện để tìm hiểu thêm thông tin và hỗ trợ.

Cứ thế, mỗi ngày, rồi đến 2 tháng trải qua bao cung bậc cảm xúc, những chuyến xe nối tiếp những chuyến xe tạo nên một hành trình mang nặng nghĩa đồng bào. Đó cũng thật sự là sức mạnh nghĩa khí của con người xứ Nẫu và sức mạnh của niềm tin.

Chúng tôi, bản thân tôi, chắc chắn sẽ không bao giờ quên, sẽ luôn trân quý những ngày tháng ý nghĩa đã qua, sẽ luôn khắc sâu trong tâm niệm về sự vô giá của nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Trong thời khắc khó khăn của đất nước, của quê hương, nghĩa đồng bào sẽ làm nên lịch sử!