Sáng tạo những mô hình bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những năm qua, MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng thành công các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Qua thực tiễn, các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

 Mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được MTTQ TP Bắc Kạn triển khai xây dựng tại thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang. Ảnh: Hoàng Thạc.

Từ năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trên cơ sở chương trình được ký kết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã cùng với ngành Tài nguyên và Môi trường cùng cấp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thực của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp nắm vững và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, tham gia BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều cách làm sáng tạo hiệu quả đã được Mặt trận các cấp xây dựng, duy trì và nhân rộng như mô hình “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Công Tum (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới) và tại Đền Mẫu (phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn); mô hình “Đồng bào tôn giáo BVMT” tại thôn Khuổi Hao (xã Cao Thượng) và thôn Nặm Dài (xã Nam Mẫu huyện Ba Bể). Ngoài ra các mô hình điểm “Xã hoạt động tự quản BVMT và tài nguyên thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu” do Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai xây dựng tại các xã Yên Mỹ, Đại Sảo, huyện Chợ Đồn; xã Quảng Khê, Yến Dương huyện Ba Bể đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Việc giữ gìn BVMT gắn với thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo đã tạo ra sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT, góp phần tạo cảnh quan khu dân cư ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Ghi nhận tại những địa phương triển khai xây dựng các mô hình tự quản người dân đã có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Với vai trò chủ trì, hiệp thương, MTTQ thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền huy động người dân tham gia BVMT, vận động các hộ gia đình tiến hành phân loại rác tại nguồn, không thả rông gia súc, tổ chức thu gom xử lý nước thải, chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, thay đổi các thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường. Hàng tháng người dân trong các khu dân cư đều cùng nhau vệ sinh làm sạch đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh, đường hoa để giữ gìn cảnh quan môi trường sống.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn khẳng định, các mô hình tự quản đã mang lại những hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác BVMT. Hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã triển khai và xây dựng được gần 20 khu dân cư làm điểm mô hình xây dựng khu dân cư BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai xây dựng được trên 130 hình tự quản BVMT, mô hình điểm thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn ở cộng đồng dân cư. Đến nay, công tác BVMT đã được cụ thể hóa và là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ở các khu dân cư xây dựng mô hình điểm đã bổ sung nội dung BVMT vào hương ước, quy ước xây dựng khu dân cư văn hóa với 100% hộ gia đình tại khu dân cư đã ký cam kết thực hiện tốt công tác BVMT.

Vũ Mạnh