Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội” tỉnh Ninh Bình: Lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc

(Mặt trận) -Cách đây 6 năm (năm 2017), tỉnh Ninh Bình phát động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" nhằm huy động các nguồn lực thực hiện tốt hơn công tác tri ân người có công, bảo đảm an sinh xã hội với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Với ý nghĩa nhân văn cao cả, Quỹ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Từ sự hỗ trợ của Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội", bệnh binh Đinh Thọ Sơn, xã Gia Phương (Gia Viễn) đã tìm thấy niềm vui, an yên trong ngôi nhà tình nghĩa của mình. Ảnh: Trường Giang

Từ nguồn Quỹ đã giúp các gia đình có công với cách mạng được chăm lo tốt hơn; nhiều người nghèo cũng có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy đã thắp sáng ngọn lửa yêu thương, khơi dậy nguồn lực, khát vọng và ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân Ninh Bình trên hành trình dựng xây, phát triển quê hương, đất nước.

Khơi dậy các nguồn lực, kết nối yêu thương 

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với cả nước, hàng vạn người con quê hương Ninh Bình đã xung phong lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên các chiến trường… Thấu hiểu sâu sắc giá trị sự hy sinh, cống hiến to lớn của các gia đình có công với cách mạng và với trách nhiệm, nghĩa tình sâu nặng, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm chăm lo để cuộc sống của các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và những người có công với đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. 

Việc phát động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" cũng không nằm ngoài mục tiêu thực hiện tri ân người có công, đồng thời giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, ngay sau khi được phát động, Quỹ đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân. 

Đồng chí Bùi Thị Vẻ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" huyện Yên Khánh cho biết: Nhằm phát huy tối đa khả năng, tiềm lực của địa phương, huyện Yên Khánh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Quỹ đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các khu dân cư, qua đó nâng cao nhận thức và trân trọng những công lao to lớn của người có công với cách mạng; nêu cao tinh thần "Tương thân, tương ái" sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn. 

Cùng với đó, huyện thực hiện công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng Quỹ, bảo đảm hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng, qua đó tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp. Việc ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" trở thành việc làm tự nguyện, vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong huyện, dường như ai cũng mong muốn được đóng góp một phần tâm sức để cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt hơn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. 

Chăm lo cho người có công, hỗ trợ người yếu thế đã trở thành phong trào tự nguyện, nét đẹp văn hóa với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình. 

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Phú Vinh ở xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là một trong những doanh nhân như thế. Nhiều năm qua, ông Vinh luôn dành một nguồn kinh phí nhất định để ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội"; tặng sổ tiết kiệm cho cựu chiến binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; kêu gọi và đóng góp hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ xã… 

Ông Vinh chia sẻ: Là một người lính, từng đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, hơn ai hết tôi thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do và tôi may mắn hơn đồng đội đã ngã xuống là được trở về. Vì vậy, là thương binh mất 81% sức khỏe nhưng tôi luôn suy nghĩ mình còn sức lao động được thì còn tiếp tục cố gắng, phải vươn lên thoát nghèo để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Tham gia ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" cũng là cách để tôi được tri ân cùng đồng đội, giúp đỡ người khó khăn để đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Không chỉ khơi dậy các nguồn lực để chăm lo đời sống người có công mà còn kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với những mảnh đời kém may mắn, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh Ninh Bình đã thực sự là điểm tựa cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người gặp rủi ro, hoạn nạn, người yếu thế. 6 năm qua, Quỹ cấp tỉnh đã tiếp nhận trên 74 tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ với số tiền lớn, tiêu biểu như: Ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế Xuân Thành ủng hộ 6,5 tỷ đồng; ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn INDEVCO ủng hộ 6,3 tỷ đồng; Tập đoàn Hyundai Thành Công ủng hộ 4,6 tỷ đồng… 

Từ năm 2017 đến năm 2022, tỉnh Ninh Bình thực hiện vận động 3 lần (2017, 2018, 2019) và được tổ chức vào tháng 7 hằng năm. Điều đáng nói là những năm tỉnh không tổ chức vận động ủng hộ (do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp) nhưng Quỹ tỉnh vẫn nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Việc ủng hộ Quỹ trở thành hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, là sự tự nguyện của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

Gieo trồng hạnh phúc 

Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" tỉnh, 6 năm qua, đã có gần 1.000 hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh có khó khăn về nhà ở được sửa chữa, xây mới nhà ở; nhiều thương, bệnh binh được hỗ trợ xe lăn; hàng nghìn người nghèo được hỗ trợ sinh kế, nhiều học sinh nghèo được tiếp bước đến trường… Sự động viên kịp thời từ Quỹ như nguồn năng lượng tích cực, trao yêu thương, nâng đỡ và trở thành động lực vươn lên của nhiều người. 

Trung tuần tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Thọ Sơn ở xã Gia Phương (Gia Viễn) - một trong những hộ người có công được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa từ Quỹ. Tự hào giới thiệu về ngôi nhà tình nghĩa của mình, ông Sơn cho biết: Năm 1974, tôi nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, tôi tiếp tục tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và bị thương (năm 1979), mất 61% sức khỏe. Năm 1981, tôi phục viên, trở về quê nhà với hành trang là những những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời do vết thương chiến tranh. Sức khỏe giảm sút, nhà cửa dột nát nhưng vì kinh tế còn eo hẹp nên có được căn nhà mới khang trang vẫn chỉ là ước mơ. Năm 2021, ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Ngôi nhà tình nghĩa khang trang được xây dựng từ sự hỗ trợ của Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" huyện Gia Viễn và sự chung tay góp sức của anh em họ hàng, bà con làng xóm. 

Ông Đinh Thọ Sơn phấn khởi cho biết: Từ ngày sống trong ngôi nhà mới, tôi thấy mình khỏe hơn, không còn lo lắng mỗi khi mưa to, gió bão, đây thực sự là niềm hạnh phúc, an yên tuổi già. Được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, tôi cũng luôn răn mình phải sống gương mẫu, sống vui, sống khỏe, sống có ích, phấn đấu thực hiện lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế". Đồng thời, động viên, dạy bảo con cháu chăm lo học tập, lao động, công tác, là những công dân gương mẫu. Bằng những hoạt động trợ giúp cụ thể, thiết thực, 6 năm qua, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh như nhịp cầu để kết nối và lan tỏa những yêu thương, mang đến niềm vui, hạnh phúc và thay đổi số phận của nhiều người nghèo, người gặp rủi ro, hoạn nạn... 

Câu chuyện của cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ Phạm Thị Thu Hằng ở phường Tây Sơn (thành phố Tam Điệp) là một minh chứng. Cách đây gần 10 năm, bố mẹ Hằng vì mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời, khi đó em đang học lớp 12. Ước mơ giảng đường đại học sẽ chẳng thể thành hiện thực nếu không có sự trợ giúp từ các nhà hảo tâm và Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" tỉnh. Với Hằng, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" tỉnh như nhịp cầu kết nối yêu thương để em có thêm những người bác, người chú, người anh, người chị dù không cùng máu mủ ruột già; những mất mát, đau thương, những khó khăn từ đó cũng dần được sẻ chia… 

Nhớ về hành trình vượt khó vươn lên, Phạm Thị Thu Hằng xúc động nói: Sự hỗ trợ của Quỹ và tình yêu thương của các nhà hảo tâm khi đó đã tiếp thêm nguồn sức mạnh, gieo niềm tin để em được hồi sinh thêm một lần nữa. Giờ đây, ước mơ được làm cô giáo của em và bố mẹ đã trở thành hiện thực, em luôn tâm niệm phải sống biết ơn, sống có ích để cống hiến, để không phụ những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ em và gia đình. Trong khả năng của mình, em cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện để góp sức cùng xã hội gieo hạt mầm sống cho các hoàn cảnh khó khăn khác. Em mong Quỹ ngày càng phát triển để có thêm nhiều những hạt giống yêu thương được gieo, hạnh phúc được sẻ chia và yêu thương được nối dài, lan tỏa. 

Cùng với ưu tiên nguồn lực để quan tâm chăm lo người có công, thực hiện an sinh xã hội cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, 6 năm qua, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" tỉnh còn hỗ trợ phụ nữ biên cương, hỗ trợ xây dựng Nhà khách Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), ủng hộ nhân dân các nước gặp thiên tai, dịch bệnh (Lào, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria)... 

Từ sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ, với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên. Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả tích cực, số hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (năm 2002 giảm chỉ còn 2,36%). Hoạt động của Quỹ cũng đã góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước bạn bè trên thế giới, xây dựng hình ảnh đất và người Ninh Bình thân thiện, giàu lòng nhân ái.

Đinh Ngọc