Quế Tân nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, xã Quế Tân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh xác định bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh thôn xóm sạch đẹp là tiêu chí quan trọng. Vì vậy xã đã khuyến khích các tổ chức hội có những cách làm hay, sáng tạo trong bảo vệ môi trường. Phong trào bảo vệ môi trường sống có sức lan tỏa và trở thành việc làm thường xuyên ở nơi đây.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Thứ 7 hàng tuần, dọc các tuyến đường liên thôn ở xã Quế Tân trở nên sôi động. Ngay từ sáng sớm, người dân trong các khu dân cư, xóm ngõ rôm rả mỗi người một việc cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ “từ nhà ra ngõ”. Vì công việc này được duy trì thường xuyên nên người dân ở nhiều ngõ xóm nói vui “tìm được rác cũng khó”. Việc dọn dẹp trở nên rất nhẹ nhàng và vui vẻ với sự gắn kết của tất cả các thành viên, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, đường làng ngõ xóm đã sạch sẽ, phong quang.

 Nông dân xã Quế Tân chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ.

Đồng chí Phạm Đình Đại, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quế Tân cho biết: Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 – 2025, những năm qua Quế Tân đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề về môi trường triển khai tới các chi bộ, các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới. Hàng tháng, Đảng uỷ xã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào Nghị quyết lãnh đạo và giao cho các ban ngành, đoàn thể chính trị xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng đơn vị. Đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên ở các tổ chức và nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt, giao ban, hội nghị để chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Là xã có nhiều khu công nghiệp, các loại hình kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán ăn… mở ra ngày một nhiều, bên cạnh đó số lượng công nhân đến thuê trọ, cư trú, làm việc ở các công ty trên địa bàn xã ngày một tăng, do vậy khối lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng tăng theo. Chính quyền xã đã chỉ đạo 6/6 thôn thành lập tổ thu gom rác thải từ các hộ dân, vận chuyển về nơi tập kết chung ở các thôn để công ty thu gom vận chuyển về nơi tập kết của huyện, không để xảy ra tình trạng ùn đọng, gây mất vệ sinh môi trường. Các phong trào thi đua vì môi trường sạch được các tổ chức hội, đoàn thể phát động thực hiện có hiệu quả cụ thể như: Phong trào "5 không 3 sạch", dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng và chăm sóc đường hoa của Hội LHPN xã; Đoàn Thanh niên với các phong trào "Thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh" bằng những công việc cụ thể như tổ chức vớt bèo, phạt cỏ, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp; quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thường xuyên phát động phong trào thu gom rác thải nhựa, bao bì, vỏ chai thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng;  Hội Nông dân với phong trào thực hiện vệ sinh đồng ruộng theo định kỳ, tuyên truyền hội viên nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngoài đồng, vứt rác thải đúng nơi quy định, hàng tuần tổ chức thu gom xử lý, vận động nhân dân không đốt rơm rạ ngoài đồng, không vứt rơm rạ xuống lòng, lề mương gây ô nhiễm môi trường; Hội CCB với phong trào khơi thông cống rãnh, giám sát tình trạng đổ trộm rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định.

Với những chủ trương, giải pháp cụ thể, thiết thực, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong xã, đến nay nhận thức của người dân xã Quế Tân về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt, hình thành thói quen trong cộng đồng dân cư vì một môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 của xã Quế Tân là 95% các thôn có điểm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; củng cố, khôi phục mỗi thôn ít nhất có 1 hồ điều hòa cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng; 100% các gia đình có sử dụng nhà vệ sinh khép kín; chất thải sinh hoạt và rác thải trong thôn, ngoài đồng được tổ chức thu gom, phân loại và xử lý thường xuyên 2 buổi/tuần tập kết đúng nơi quy định; 100% các hộ chăn nuôi trang trại, quy mô lớn có lắp hầm Biogas, quy hoạch khu tập trung giết mổ, có hệ thống xử lý nước thải ở các thôn, quy hoạch được các vùng sản xuất rau rạch, an toàn trong đó tập trung vào cây khoai tây và cây dưa gang.

N. Hải