Quảng Trị: Phát huy tốt vai trò của Mặt trận trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) -Nhằm phát huy quyền làm chủ và chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã ngày càng nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, ý thức về dân chủ trong xã hội; phát huy tính tích cực, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của Nhân dân.

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị khảo sát thực địa tại khu vực có dự án điện gió trên địa bàn xã Húc, huyện Hướng Hoá -Ảnh: P.N

Trong năm 2022, Ủy ban MTTQViệt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã phối hợp, tổ chức hơn 863 hội nghị tuyên truyền, với 420.000 lượt người dân tham gia về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kết luận, quy định, chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân.

Từ đó, giúp Nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ hơn các quy định của Đảng, Nhà nước để thực hiện, đồng thời giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ngay tại địa phương.

Hoạt động giám sát được MTTQ chủ trì và phối hợp thực hiện tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực mà dư luận và Nhân dân quan tâm, liên quan thiết thực đến đời sống xã hội, sát với nhiệm vụ của địa phương.

Cụ thể tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó 2 cuộc giám sát bằng văn bản về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và giám sát công tác cán bộ, đảng viên; tổ chức 2 đoàn giám sát, khảo sát đánh giá tác động của các dự án điện gió đối với sản xuất và đời sống của Nhân dân tại 4 xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Tân Liên, xã Húc, huyện Hướng Hóa.

Giám sát, khảo sát tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Sau các đợt giám sát đã tiếp thu, kiến nghị 39 ý kiến, vấn đề đến các ngành, các cấp. Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã tổ chức 242 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; 124 cuộc giám sát bằng hình thức thành lập đoàn giám sát tại 136 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã kiến nghị 259 ý kiến.

Tham gia với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, phối hợp với Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách trên các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, văn hóa - xã hội; tham gia với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án tại 3 đơn vị.

Thông qua hoạt động giám sát, tham gia giám sát, MTTQ các cấp đã phát hiện, kiến nghị nhiều vấn đề và được các ngành, các cấp tiếp thu.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã chủ động hướng dẫn mặt trận các cấp theo dõi, đôn đốc, kiện toàn và nắm tình hình hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Những hoạt động đó góp phần làm cho dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện ngày càng thực chất hơn, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng tốt hơn.

Vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân của MTTQ các cấp ngày càng hiệu quả và đã đạt được kết quả quan trọng…

Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở, trong đó khiếu nại, tố cáo sai, vượt cấp vẫn chiếm tỉ lệ cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội…

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu do nhận thức về dân chủ chưa đầy đủ, chưa vững chắc; tình trạng vi phạm quyền dân chủ của Nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra; chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…

Để góp phần tăng cường, nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian tới, mặt trận các cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần phát huy và thực hiện nghiêm vai trò, trách nhiệm nêu gương về thực hành dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tốt nhất việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của người dân.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện tốt các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, về các nội dung dân cần biết, cần bàn, cần tham gia. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tiếp cận, tự giác tham gia hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và địa phương.

Kịp thời, nhạy bén trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, nâng cao chất lượng tiếp nhận, phản ánh, giải quyết, xử lý các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, gắn với tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là những vấn đề cần phải công khai để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng...

Nâng cao chất lượng công tác tổ chức, bộ máy, CBCC thực hiện nhiệm vụ dân chủ ở cơ sở, chú trọng tính đoàn kết, gương mẫu, nói đi đôi với làm, đi đầu trong mọi phong trào hoạt động.

Đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa cách làm mới, sâu sát với Nhân dân, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nghe dân nói và nói cho dân nghe; việc tổ chức phát động các phong trào, các cuộc vận động cần phù hợp, sát đúng với tình hình địa phương và người dân.

Người dân cũng cần chủ động tiếp cận, đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động gia đình, người thân hưởng ứng, chấp hành quy ước, hương ước, tham gia đầy đủ các cuộc họp dân, các hoạt động, phong trào do địa phương phát động. Tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phúc Nguyên