Quảng Trị: Nỗ lực giúp người nghèo an cư

(Mặt trận) - Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là hoạt động thường xuyên và liên tục được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị -xã hội, đơn vị, doanh nghiệp... trên địa bàn triển khai nhiều năm qua thông qua nguồn kinh phí của nhà nước, các nguồn xã hội hóa và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở còn nhiều.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Dương Tân Long trao biển tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo ở Đakrông - Ảnh: V.T.H 

Nhằm bảo đảm các đối tượng hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống, thực hiện chính sách an sinh xã hội, từ đó giúp họ thoát nghèo bền vững, cũng như góp phần thực hiện quyền có nhà ở và quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-HĐND, ngày 18/10/2022 thông qua Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026.

Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật,...); xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng.

Nhờ đó, nhà ở của nhiều hộ nghèo, hộ người có công đã được cải thiện, tạo điều kiện ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặc dù vậy, hiện nay, số hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều.

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 4.111 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở, chiếm 39,41% so với tổng số hộ nghèo và 4.544 hộ nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở chiếm 43,56%.

Kết quả rà soát có 3.152 hộ nghèo toàn tỉnh thiếu hụt gay gắt về nhà ở, chiếm 30,22% trong tổng số hộ nghèo. Ngoài ra, còn có 1.186 hộ cận nghèo có nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát cần hỗ trợ xây dựng nhà ở, chiếm 11,44% so với hộ cận nghèo.

Dịp đầu năm mới 2023, gia đình chị Hồ Thị May ở thôn Ngược, xã Tà Long, huyện Đakrông được đề án hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng mới nhà ở rộng khoảng 50 m2 , đảm bảo kiên cố được thiết kế đầy đủ các công năng để ở, sinh hoạt, khu vệ sinh và an toàn, thẩm mỹ phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày nhận bảng tượng trưng hỗ trợ nhà ở, chị May vui mừng lắm, chị cho biết: “Nhà nghèo bấy lâu nay chưa đủ ăn nên không có nhà ở kiên cố, phải ở tạm trong căn nhà dột nát.

Giờ được Nhà nước hỗ trợ tiền cho xây nhà gia đình mừng lắm. Gia đình tôi sẽ triển khai tốt việc xây dựng để có căn nhà kiên cố. Gia đình tôi cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Triển khai thực hiện Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, nguồn vốn thực hiện hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo được sử dụng từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa và vốn tự có của gia đình.

Đề án thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch và kịp thời.

Ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện đề án được HĐND tỉnh phê duyệt hằng năm; đồng thời, huy động nguồn vốn từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh; vận động nhân lực từ các đơn vị đóng góp bằng nhiều hình thức để lồng ghép vào thực hiện hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo.

 

Trong quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo giữa cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng.

Thường xuyên rà soát để tránh trùng lặp trong việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của vùng, miền gắn với điều kiện thực tiễn và quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở có sự kiểm tra, giám sát của chính quyền, mặt trận và Nhân dân.

Các trường hợp hộ gia đình không tự xây dựng được nhà ở thì đề nghị mặt trận và chính quyền địa phương tổ chức xây dựng giúp nhà ở trên cơ sở nguồn kinh phí được bố trí và nguồn nhân lực, vật lực do cộng đồng, các tổ chức, đơn vị đóng góp.

Các địa phương tổ chức tốt việc rà soát bình xét dân chủ, sát thực từ cơ sở, đảm bảo đúng đối tượng, sự công bằng và giữ được đoàn kết trong từng địa bàn dân cư.

Thực hiện phương châm ưu tiên theo thứ tự hộ khó khăn hơn làm trước. Định mức hỗ trợ vùng núi 70 triệu đồng/nhà, vùng đồng bằng 60 triệu đồng/nhà. Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 lần từ nguồn vốn của đề án.

Trường hợp hộ nghèo được tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ 100% kinh phí xây mới theo mức hỗ trợ của đề án thì không sử dụng nguồn ngân sách của đề án để hỗ trợ. Trường hợp hộ nghèo được tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ xây mới nhưng kinh phí thấp hơn định mức hỗ trợ của đề án thì được ngân sách hỗ trợ thêm phần chênh lệch.

Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, điều kiện gia đình, UBND và ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã thống nhất hỗ trợ thêm từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương, huy động cộng đồng và các lực lượng khác tham gia đóng góp nguyên vật liệu, nhân công xây dựng cùng với nguồn vốn tự có của gia đình và vốn vay ưu đãi.

Phấn đấu đến hết năm 2026, toàn tỉnh xây mới thêm được 3.152 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 217,297 tỉ đồng, tỉnh cơ bản không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm bợ. Sau khi hỗ trợ các hộ gia đình có nhà ở an toàn, góp phần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững.