Quảng Trị: Mặt trận với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

(Mặt trận) - Đến xã Trung Giang, huyện Gio Linh hay nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hôm nay, chúng ta sẽ nhận thấy những đổi thay nhanh chóng về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Có được kết quả này, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Sinh hoạt văn hóa của một khu dân cư ở huyện Đakrông - Ảnh: M.P 

Là một xã biển bãi ngang, cuộc sống người dân Trung Giang chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Từ bao đời nay, các phong tục tập quán trong việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi một người dân. Nhiều phong tục lạc hậu, tốn kém công sức, tiền của người dân, thậm chí gây mất trật tự an toàn xã hội vẫn còn tồn tại.

Để khắc phục những vấn đề này, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ xã đến thôn đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các giải pháp của địa phương đến từng gia đình. Vận động mọi người tham gia hưởng ứng, đồng thời Ban chỉ đạo đời sống văn hóa xã xây dựng và sửa đổi hương ước, quy ước của làng văn hóa, làm thước đo chuẩn mực gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hằng năm. Từ đó đã nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong đoàn viên, hội viên và người dân trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Cụ thể như không tổ chức nhạc sống, ăn uống vào đêm trước ngày tổ chức lễ cưới; đám tang không rãi vàng mã trong khu dân cư, không tổ chức ăn uống linh đình, không tiếp khách đến viếng bằng bia rượu, không để thi hài người chết quá 48 giờ, người bị bệnh truyền nhiễm không để quá 24 giờ. Nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống trên địa bàn xã được phục dựng, tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực như lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ hội cầu mùa…

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng được Mặt trận Tổ quốc thành phố Đông Hà tích cực triển khai với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Với mục tiêu đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của tỉnh, những năm qua cùng với vận động Nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế - xã hội, mặt trận thành phố đã tích cực vận động người dân xây dựng 20 tuyến phố văn minh; 72 mô hình thực hiện văn minh đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường; 72 mô hình đảm bảo an ninh trật tự... Đến nay, toàn thành phố có 82/83 khu phố đạt văn hóa, có 19 khu phố đạt văn hóa xuất sắc cấp tỉnh; 50/52 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đơn vị văn hóa, trong đó có 17 đơn vị đạt văn hóa xuất sắc; 20.580/21.640 hộ gia đình đạt văn hóa.

Những phong trào, cách làm mang lại hiệu quả cao như Ban Trị sự giáo hội Phật giáo thành phố Đông Hà phối hợp với Công an thành phố tổ chức lễ phát động “Phật giáo Đông Hà tham gia đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng văn minh đô thị” nhằm phát huy vai trò của các tăng ni, phật tử trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị và giữ gìn an ninh trật tự; thành phố xây dựng Đề án 01 về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn thành phố và đã vận động được trên 83% gia đình có người thân qua đời thực hiện đám tang văn minh…

Cùng với sự đầu tư của nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nên phong trào văn hóa cơ sở được phát triển, người dân ở nhiều địa phương đã tích cực đóng góp để tạo ra cơ sở vật chất và điều kiện mới phục vụ đời sống văn hóa, cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm được nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 941/1.082 làng có nhà văn hóa duy trì hoạt động thường xuyên, có 513 câu lạc bộ, 882 sân thể thao, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở các khu dân cư được nâng lên, đem lại giá trị văn hóa tinh thần và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của mặt trận các cấp trong tỉnh, việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã từng bước xóa bỏ phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan; sinh hoạt văn hóa vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đa dạng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, mặt trận các cấp đã tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh và tiến bộ ở cộng đồng dân cư.