Quảng Ninh: Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(Mặt trận) -Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 2/9/2023 cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho các đối tượng chính sách xã hội theo các tiêu chí phân loại về nhà ở do Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Căn nhà mới của anh Trương Văn Minh, thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).

Gia đình anh Trương Văn Minh là hộ cận nghèo ở thôn Thủy Cơ (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên). Anh Minh làm nghề ngư nghiệp, thu nhập không ổn định. Căn nhà cũ xây từ năm 2001, nay đã xuống cấp, dột nát nhưng gia đình anh chưa có điều kiện xây ngôi nhà mới vững chãi, khang trang.

Thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát năm 2023, huyện Tiên Yên đã hỗ trợ gia đình anh Minh 80 triệu đồng để xây nhà mới, trong đó 50 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo huyện, 30 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Được xây dựng từ tháng 5/2023, đến nay ngôi nhà của gia đình anh đã cơ bản hoàn thiện. “Gia đình tôi rất cảm ơn huyện đã quan tâm hỗ trợ xây nhà mới. Sau bao năm sống trong cảnh nhà ở tạm bợ, ước mơ về một ngôi nhà kiên cố của cả gia đình đã trở thành hiện thực” - anh Minh phấn khởi nói.

Tại huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, UBND và Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch liên tịch về việc phối hợp tổ chức phát động ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tổng số hộ được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2003 là 17 hộ (gồm 15 hộ xây mới, 2 hộ sửa chữa) với tổng kinh phí hỗ trợ là 1 tỷ 280 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số kinh phí huy động từ nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là 767,650 triệu đồng. Đến ngày 24/7/2023, huyện đã triển khai thi công nhà cho 9/17 hộ.

Qua rà soát xác định, năm 2023 toàn tỉnh có 415 hộ trong diện hỗ trợ. Đến thời điểm này, việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực. Đã có 285/415 hộ tiến hành sửa chữa, xây mới; 8/10 địa phương đã huy động đủ nguồn lực cần hỗ trợ với tổng tiền hơn 20 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, trăn trở, tìm mọi giải pháp để chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế.

Tại cuộc họp giao ban ngày 24/7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo: Trong quá trình triển khai, cần có sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; phương pháp làm việc phải hết sức cụ thể, sâu sát, trực tiếp, thường xuyên đối với từng đối tượng cụ thể, tiến độ từng công trình của các gia đình. Bên cạnh đó, cần vận dụng hiệu quả các nguồn lực, phương pháp, cách tổ chức để đạt mục tiêu đã đề ra; huy động sức người, sức của từ chính những người dân trong cộng đồng; duy trì hiệu quả sự phối hợp trách nhiệm, tích cực hơn với các cơ quan chức năng của tỉnh.

Cùng với đó, cần tăng cường trách nhiệm của cấp huyện, trực tiếp bí thư cấp ủy phải thực hiện rà soát đối tượng trong địa bàn, công bố công khai trên các hạ tầng truyền thông; huy động sự tham gia từ cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn để góp sức, góp công, vừa tạo khí thế sôi nổi trong triển khai thực hiện, vừa tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân…

N.Q