Quảng Ngãi: Ưu tiên dùng hàng Việt

(Mặt trận) -Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động từ năm 2009 đã lan tỏa mạnh mẽ. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Dựa vào sức dân xây dựng nông thôn mới

Khơi dậy sức dân trong xây dựng những vùng quê đáng sống

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tư Nghĩa hướng mạnh về cơ sở

 Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Tại Quảng Ngãi, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người tiêu dùng mua sắm hàng Việt để thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt.

Tin tưởng dùng hàng Việt  

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Bá Minh, công tác tuyên truyền với nội dung phong phú, phù hợp với thực tế tại địa phương; đồng thời xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Quảng Ngãi, Đài PT&TH tỉnh để tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các sở, ngành, địa phương, hội, đoàn thể trong tỉnh cũng đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân ưu tiên mua sắm hàng Việt, đặc biệt là hàng Việt sản xuất tại Quảng Ngãi. 

Công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp (DN) và người dân trong thực hiện cuộc vận động. Nhiều DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Từ miền núi đến thành thị, các kênh phân phối hàng Việt đã “phủ sóng”, đáp ứng nhu cầu, làm cho người tiêu dùng ngày càng tin tưởng, sử dụng hàng Việt. Theo Giám đốc Công ty TNHH Lộc Thịnh Phạm Văn Lộc, doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những mặt hàng cao cấp như ôtô, điện thoại... có chất lượng không thua kém hàng nước ngoài. Bản thân tôi khi mua ôtô, cũng chọn xe sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo. Qua sử dụng hàng Việt góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, việc triển khai các chương trình, chính sách ưu tiên dùng hàng Việt đã tạo điều kiện cho các DN trong tỉnh phát triển, quảng bá thương hiệu qua nhiều kênh. Anh Nguyễn Văn Định, giám đốc một DN ở huyện Lý Sơn cho rằng, những DN vừa và nhỏ rất cần được Nhà nước tạo điều kiện quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết, tin tưởng, sử dụng. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh (SX, KD). 

Tạo cú huých cho doanh nghiệp Việt

Trong thời gian tới, việc đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo tiếp tục được triển khai rộng rãi. Tháng 4/2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh  Quảng Ngãi sẽ triển khai "Phiên chợ hàng Việt về miền núi và hải đảo". Những phiên chợ này sẽ giới thiệu với người dân vùng sâu, vùng xa về  hàng Việt với nhiều chủng loại, đảm bảo về chất lượng, giá cả hợp lý. Các phiên chợ cũng tạo cơ hội cho các DN, hợp tác xã, cơ sở SX, KD tiếp cận với thị trường miền núi, hải đảo.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trịnh Lam thông tin, từ ngày 4 - 27/4, các phiên chợ hàng Việt sẽ lần lượt được tổ chức ở các huyện Minh Long, Trà Bồng, Lý Sơn. Dự kiến sẽ kêu gọi 10 - 20 DN, hợp tác xã trong tỉnh tham gia bán hàng. Kinh phí do Nhà nước hỗ trợ 100% đối với việc tuyên truyền, quảng bá, dàn dựng gian hàng...

Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022. Kế hoạch nêu rõ, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng SX, KD của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt. Từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị SX, KD, tổ chức kinh tế, xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng...

Ông Nguyễn Bá Minh cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển DN và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở SX, KD ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn và các sản phẩm là đặc sản, đặc trưng của từng vùng miền trong tỉnh.

NGỌC VIÊN