Quảng Ngãi: Chăm lo nhà cho người nghèo

(Mặt trận) -Hết ngày này đến ngày khác, nắng cũng như mưa, những cán bộ Mặt trận tỉnh Quảng Ngãi thầm lặng rong ruổi đến vùng sâu, vùng xa để khảo sát, rồi đề xuất xét duyệt xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Nhờ thế mà hàng nghìn hộ nghèo có được ngôi nhà mới ấm áp tình người, giúp họ vững tin vươn lên trong cuộc sống.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Ở 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có hàng nghìn ngôi nhà tạm bợ. Lần lượt, những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng, thay cho những ngôi nhà xiêu vẹo, trống hoác. Để giúp các gia đình có mái ấm tươm tất, những năm qua có rất nhiều tấm lòng vàng trong cả nước chung tay hỗ trợ Quảng Ngãi xây dựng nhà ở cho người nghèo. 

Chung sức xóa nhà tạm

Tôi đã nhiều lần đi cùng cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi làm nhiệm vụ khảo sát, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, mới đây nhất là chuyến đi khảo sát ở huyện Sơn Tây. Lần nào cũng vậy, tuy vất vả nhưng chuyến đi mang lại niềm vui, bởi sẽ có thêm nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Hơn nửa tháng nay, ngày nào không có việc đột xuất ở cơ quan, các thành viên của Ban Phong trào (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi), lại rong ruổi khắp các huyện miền núi để khảo sát xây dựng 150 ngôi nhà cho người nghèo. Những ngôi nhà này được xây dựng từ nguồn kinh phí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vận động Techcombank hỗ trợ cho Quảng Ngãi, với tổng kinh phí 9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 58 ngôi nhà khác do các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng.

 Trong nhiều năm qua, hàng nghìn hộ nghèo ở miền núi được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở mới, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: NGỌC VIÊN

Chúng tôi đến thôn Đắk Pao, xã Sơn Màu, một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao ở huyện Sơn Tây. Đường vào Đắk Pao chênh vênh, nhiều đoạn phải đi bộ. Vào mùa mưa bão gần như cả thôn bị cô lập vì đường sá sạt lở, trơn trượt. Trưởng ban Phong trào Phan Đình Thắng cho biết, đa số những hộ có nhà dột nát ở các huyện miền núi đều ở vùng sâu, vùng xa. Mình không nói được tiếng của đồng bào nên phải nhờ cán bộ xã dẫn đường kiêm luôn “phiên dịch". "Tuy vất vả nhưng chúng tôi có trách nhiệm đi đến tận nơi để khảo sát, tìm hiểu từng hoàn cảnh. Người dân phải thật sự khó khăn thì mới được Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Mỗi lần khảo sát xong, ai cũng mong sớm triển khai xây dựng nhà để người dân được ở trong ngôi nhà mới ấm áp. Đợt này, chúng tôi sẽ đi khảo sát ở Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà", ông Thắng chia sẻ.  

Mỗi người một hoàn cảnh

Nắng chiếu xuyên qua mái nhà rách nát nên gia đình bà Đinh Thị Chai ở thôn Đắk Pao, phải ra nghỉ trưa dưới bóng cây trước nhà. Bà Chai buồn rầu nói, chồng qua đời, một mình tôi nuôi 2 con nhỏ. Cuộc sống vất vả nên gia đình tôi không có khả năng làm nhà. Sau khi nghe bà Chai trải lòng, Chủ tịch UBND xã Sơn Màu Đinh Văn Lia động viên bà Chai yên tâm, bởi sắp tới bà sẽ được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để sửa lại nhà. Bà Chai nắm chặt tay cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và cán bộ địa phương, rồi nói lời cảm ơn mà ngân ngấn nước mắt.

 Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên đi khảo sát, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị tốc mái, hư hỏng qua mỗi đợt mưa bão. Ảnh: N.V

Khảo sát xong nhà bà Chai, dưới cái nắng gần 400 C, đoàn lại tiếp tục đến nhà các hộ dân có trong danh sách cần khảo sát. Những hộ nghèo mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ cùng có điểm chung là gánh chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Ai cũng mong  có ngôi nhà khang trang để ở, nhưng đó chỉ là mong ước, bởi đời sống quá khó khăn. "Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có điều kiện sửa chữa, xây nhà mới", nhiều hộ dân đã tâm sự trong niềm xúc động khi sắp có được ngôi nhà mới.  

Anh Đinh Văn Né, ở thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh (Sơn Tây), có vợ mất cách đây 2 năm vì bệnh hiểm nghèo. Những năm tháng chữa bệnh cho vợ, bao nhiêu tiền của gia đình tích cóp được đều đã chi trả viện phí hết. Vợ mất, một mình anh làm lụng nuôi con ăn học. Nay được Nhà nước hỗ trợ xây nhà, anh hứa cố gắng làm ăn để thoát nghèo.

 Đoàn khảo sát tìm hiểu hoàn cảnh của bà Đinh Thị Chai để xét chọn, hỗ trợ kinh phí xây nhà mới. Ảnh: N.V

Lắng đọng tình người 

Anh Đào Nhật Sơn, công tác tại Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, đến nay đã hơn 10 năm làm công tác khảo sát xây dựng nhà cho hộ nghèo ở các huyện miền núi. Anh Sơn cho hay, khi các tổ chức, nhà hảo tâm chuyển tiền hỗ trợ vào Quỹ Vì người nghèo của tỉnh thì phải khẩn trương khảo sát, hỗ trợ, sớm giải ngân tiền xây nhà, để người dân sớm có ngôi nhà mới che nắng, che mưa. 

 Anh Đào Nhật Sơn (bên trái) tìm hiểu hoàn cảnh gia đình anh Đinh Văn Né ở thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh trước khi xét duyệt hỗ trợ kinh phí giúp anh sửa chữa nhà. Ảnh: N.V

Nhiều năm làm công tác khảo sát, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, rong ruổi khắp các huyện miền núi trong tỉnh, những chuyến đi bao giờ cũng lắng đọng trong tôi nhiều cảm xúc. Đó là sự chia sẻ và hy vọng các gia đình nhanh chóng có được ngôi nhà mới để ở. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, đoàn vượt gần cả trăm cây số mới đến được nơi, nhưng sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, đoàn khảo sát đề nghị không xét duyệt hỗ trợ. Chúng ta phải ưu tiên nguồn hỗ trợ cho những gia đình thật sự cần, những gia đình đang sống trong ngôi nhà tạm bợ. Đây là việc làm nhân ái, bởi vậy phải đặt lên trên hết trách nhiệm và tình người, đó là trách nhiệm với đơn vị tài trợ và trách nhiệm với người dân. 

Những chuyến đi khảo sát không đơn thuần là tìm hiểu hoàn cảnh mà là dịp để cán bộ Mặt trận sâu sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của người dân. Từ đó sẽ có những đề xuất, đưa ra phương pháp hỗ trợ xây dựng nhà phù hợp với phong tục, tập quán của người dân ở từng địa bàn sinh sống... “Quả ngọt” cho sự nỗ lực vận động, kết nối kêu gọi tài trợ và cả những chuyến đi khảo sát vất vả ở vùng cao... là những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng, là nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của người dân. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa, xây mới sau những chuyến đi khảo sát lắng đọng tình người của cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Võ Thanh An cho biết, ở 5 huyện miền núi trong tỉnh hiện còn khoảng 1.700 nhà tạm bợ cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới. Nhu cầu hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Vì vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho hộ có nhà có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão. Trong quá trình khảo sát, khuyến khích các địa phương, chủ hộ đầu tư thêm kinh phí để đảm bảo ngôi nhà sửa chữa, xây mới kiên cố hơn. Cùng với đó là huy động thêm nguồn lực tại chỗ, phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư giúp đỡ hộ nghèo, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" trên hành trình thoát nghèo.

NGỌC VIÊN