Quảng Bình: Lan tỏa lối sống “xanh“

(Mặt trận) -Để góp phần hạn chế rác thải sinh hoạt, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện phong trào thu gom phế liệu, đổi lấy cây xanh hoặc bán phế liệu gây quỹ đỡ đầu học sinh (HS) khó khăn. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà qua đó còn lan tỏa thông điệp sống "xanh" và giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường.

Đón Xuân ấm trong căn nhà mới

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

 Mô hình "Đổi phế liệu, lấy cây xanh" được Hội LHPN xã Quảng Xuân thực hiện hiệu quả.

Đầu năm 2023, chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Xuân tiếp tục ra mắt mô hình “Đổi phế liệu, lấy cây xanh”. Mô hình đã có ý nghĩa tích cực khi đã vận động được nhiều chị em tham gia thu gom rác thải nhựa, tạo cảnh quan sạch đẹp cho địa phương; đồng thời tạo thói quen trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Đây là năm thứ hai, các chị thực hiện mô hình này và là một trong những hoạt động nằm trong chương trình “Thêm cây xanh, giảm rác thải nhựa” đã được chị em phụ xã phát động trước đó.

Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Xuân Phạm Thị Nhung cho biết: Mô hình được Hội LHPN xã phát động thực hiện từ đầu năm 2022, hình thức hoạt động cụ thể là hội viên các chi hội chỉ cần mang các vật dụng bằng nhựa đã qua sử dụng đến đổi lấy một cây xanh. Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình từ các chị em, đến nay mô hình vẫn duy trì hoạt động. Trong đợt thu gom và đổi cây xanh mới đây, hội đã kêu gọi các chị em tham gia và đổi được 80 cây ăn quả các loại, như: Xoài, ổi, chanh... Số cây ăn quả này được các chị mang về trồng ở vườn của gia đình mình.

"Với tinh thần mỗi hội viên trồng ít nhất một cây xanh, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì mô hình con đường hoa từ nhựa tái chế, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục kêu gọi chị em tham gia thu gom rác thải nhựa và mang bán để mua lại những cây ăn quả và trồng tại vườn. Dự định, khi số lượng cây ăn quả được trồng nhiều và đủ, hội sẽ chuyển qua trồng các cây xanh ở những nơi công cộng hoặc hành lang các con đường thôn, xóm, tạo màu xanh, sạch, đẹp", chị Nhung cho biết thêm.  

Qua hơn một năm triển khai, mô hình “Đổi phế liệu, lấy cây xanh” của chị em PN xã Quảng Xuân không những giúp giảm lượng rác thải lớn ra môi trường mà con giúp người dân hình thành thói quen bảo vệ môi trường, xem đó là việc làm có ích và tuyên truyền mọi người xung quanh cùng thực hiện.  

Cũng nhằm mục tiêu hạn chế rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và chung tay xây dựng nông thôn mới, những năm qua, PN xã Quảng Kim cũng đã duy trì và thực hiện mô hình thu gom phế liệu, gây quỹ tình thương. Mặc dù là xã miền núi, đời sống kinh tế của nhiều chị em còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, khi nghe triển khai mô hình, hầu hết các chị đã ủng hộ và thực hiện nhiệt tình. Số rác thải phế liệu sau khi thu gom được các hội viên chi hội trong xã bán và gây quỹ hỗ trợ cho HS nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Kim Từ Thị Nhung cho biết: Thực hiện phát động của Hội LHPN huyện Quảng Trạch, trên cơ sở đặc thù của địa phương là địa bàn có nhiều trường hợp trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Theo nắm bắt của các chi hội, toàn xã có khoảng 36 cháu mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Hội đã thống nhất xây dựng mô hình thu gom phế liệu để giúp đỡ trẻ em nghèo, đồng thời kêu gọi chị em cùng tham gia để có thêm nhiều nguồn quỹ hỗ trợ các cháu.

Hiện tại, sau hơn 1 năm triển khai, nguồn quỹ từ việc thu gom phế liệu đã được hội hỗ trợ cho 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Trung bình mỗi quý, hội đã hỗ trợ 600.000 đồng/cháu nhằm giúp các em mua thêm đồ dùng học tập. Để nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn khác có thêm cơ hội đến trường, trong thời gian tới hoạt động thu gom phế liệu sẽ được các chi hội PN xã tiếp tục duy trì thực hiện. Với việc thu gom phế liệu hàng tháng, hàng quý của chị em PN xã Quảng Kim, những vỏ chai nhựa được thu gom sạch sẽ, không ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời mỗi trường hợp HS lại có thêm cơ hội tiếp tục đến trường.

Bà Lê Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Trạch cho biết: Thời gian qua, phong trào thu gom phế liệu bảo vệ môi trường đã được các cấp hội PN trên địa bàn huyện triển khai sôi nổi. Từ phong trào, các hội viên PN đã tạo được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động ý nghĩa khác, như: Đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn, trồng cây xanh bảo vệ môi trường... Thành công của hoạt động thu gom phế liệu bảo vệ môi trường không chỉ lan tỏa thông điệp sống "xanh", bảo vệ môi trường mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới của PN Quảng Trạch.

 T.L