Phú Yên:Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Học viên con em vùng đồng bào DTTS tham gia học nghề miễn phí tại Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên 

Hưởng ứng phong trào Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau và tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10-17/11), toàn tỉnh Phú Yên đã và đang phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, nhằm có thêm nguồn lực giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đầu tư, hỗ trợ đúng cách

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo được nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Đến tháng 5/2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (theo mức chuẩn nghèo mới) là 13.046 hộ, chiếm 4,97%, hộ cận nghèo là 22.481 hộ, chiếm 8,56%.

Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh với phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Chăm lo đời sống người dân, huyện Sông Hinh đã đầu tư, triển khai nhiều chính sách để giúp bà con làm ăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đặc biệt, mới đây, huyện đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng công trình trạm bơm thủy lợi cùng kênh mương nội đồng, đồng thời tích cực hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân biết cách trồng lúa nước. Hiệu quả đến ngay từ vụ lúa đầu tiên của vụ hè thu năm nay.

Ma Phốt ở buôn Bai, xã Ea Lâm, cho biết: Gia đình tôi có 2 sào lúa nước, mấy năm trước do thiếu nước, năng suất thấp. Mùa này, được Nhà nước đầu tư trạm bơm, đồng thời hướng dẫn cách trồng, gia đình tôi thu hoạch lúa được nhiều hơn. Tôi rất vui!”.

Còn ông ma Xanh ở buôn Học chia sẻ: Trước đây, đời sống của bà con dựa vào nuôi bò và trồng bắp, đất bỏ hoang nhiều vì cằn cỗi, không có nước tưới. Từ khi có công trình kênh mương thủy lợi, nước về tới chân ruộng. Bà con lại được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, nhờ thế mà nhà nào cũng đầy lúa, không còn lo đói cái bụng.

Ông Nay Y Tôn, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh, cho biết: Trong 5 năm (2016-2020), địa phương đã đầu tư gần 170 tỉ đồng cho công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Kết quả, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 30,75% năm 2015 xuống còn 6,28% cuối năm 2020. Năm 2021, qua rà soát, số hộ nghèo toàn huyện còn 1.712 hộ/10.645 hộ theo chuẩn nghèo mới.

Hay mới đây, Lữ đoàn 682 (Vùng 4 Hải quân) cũng đã huy động lực lượng, hỗ trợ 80 triệu đồng giúp gia đình bà Đoàn Thị Điệp là thân nhân liệt sĩ ở khu phố 1, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa xây dựng ngôi nhà mới. Bà Điệp chia sẻ: “Bao nhiêu năm làm ăn vất vả nhưng chúng tôi vẫn không đủ tiền sửa chữa lại nhà. Nay nhờ có cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 682 hỗ trợ, giúp đỡ, gia đình xây lại ngôi nhà để có nơi ở khang trang”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, qua điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực vùng đồng bào DTTS. Hộ nghèo còn thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác để phát triển sản xuất. Một bộ phận đồng bào DTTS còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo.

“Để giúp người dân thật sự thoát nghèo bền vững, hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo năm 2022, toàn tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đồng thời hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; nâng cao chất lượng phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Hiền cho biết.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo; đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vùng nghèo, vùng khó khăn, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo tạo việc làm, sinh kế bền vững. Đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Qua đó nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền về các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025); hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp; phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

KIM CHI