Phú Thọ: Thực hiện tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn

(Mặt trận) -Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Tại tỉnh Phú Thọ, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quan tâm thực hiện, góp phần BVMT trên địa bàn. Tỉnh đang tích cực đẩy mạnh thực hiện phân loại rác tại nguồn, đảm bảo đúng lộ trình theo quy định của Luật BVMT năm 2020.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Hội viên nông dân xã Bình Phú, huyện Phù Ninh nhận máy băm phụ phẩm nông nghiệp, thùng đựng rác để phân loại, tận dụng rác thải sinh hoạt.

Chuyển biến cả nhận thức và hành động

Điều 75, Luật BVMT năm 2020 đã quy định, từ 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân, gia đình. Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Trên địa bàn tỉnh, việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được thực hiện từ nhiều năm nay, trở thành phong trào, hình thành thói quen trong từng gia đình, khu dân cư, góp phần BVMT sống, xây dựng cảnh quan sạch đẹp, tạo tiền đề để chấp hành các quy định của pháp luật.

Đồng chí Lương Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết: Công tác BVMT, trong đó có nội dung phân loại rác thải tại nguồn được MTTQ các cấp chỉ đạo các tổ chức thành viên triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bằng nhiều phong trào sôi nổi, mô hình tự quản gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến nay, các phong trào, mô hình vẫn được duy trì thực hiện hiệu quả, nhân rộng tại các địa phương, hình thành thói quen tốt của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư trong việc nhận biết, phân loại để tập kết, xử lý các loại rác thải. Đây là cơ sở quan trọng cả về nhận thức, thực tiễn để đảm bảo triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo quy định.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, cụ thể hóa Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Tiết kiệm phế liệu” lần đầu tiên ra mắt vào năm 2013, tại thành phố Việt Trì đến nay đã được các cấp Hội Phụ nữ nhân rộng ra toàn tỉnh. Với các tên gọi khác nhau ở từng giai đoạn, từng địa phương nhưng nội dung của mô hình là mỗi hộ sẽ tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình mình, chia làm 3 loại để thuận tiện xử lý gồm: Các loại rác thải hữu cơ, rác không tái chế được, rác thải có thể tái chế.

Tạo thuận lợi cho công tác phân loại cũng như gắn với khâu xử lý rác tại nguồn theo quy định, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, tham quan mô hình thử nghiệm các kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật ủ phân hữu cơ, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi và trùn quế tại hộ gia đình cho các hội viên để thực hiện tốt công tác BVMT, phát triển bền vững...

Tại một số khu dân cư ở cả khu vực nông thôn, thành thị, các gia đình đã được chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương hỗ trợ, tặng xô, thùng để thực hiện phân loại rác tại hộ. Ở các khu vực công cộng trong khu dân cư đã được trang bị nhiều thùng rác, dán đề can theo từng loại để người dân bỏ rác theo từng loại quy định.

Bà Trần Thị Thế, khu 7, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy cho biết: “Chúng tôi được tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được tập kết, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng. Nhờ đó, chúng tôi phân biệt được các loại rác thải sinh hoạt của gia đình để phân loại, xử lý theo quy định”.

 Hội LHPN huyện Thanh Thủy tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Nỗ lực để Luật đi vào cuộc sống

Cùng với các phong trào, mô hình được triển khai hiệu quả nhiều năm qua, việc duy trì, phấn đấu nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các khu dân cư tập trung đạt từ 70% theo Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025” là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, để triển khai việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn. Theo quy định của Luật BVMT năm 2020, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải thực hiện trước ngày 31/12/2024, việc này cũng gây khó khăn do cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường tại một số huyện, thị xã, thành phố còn thiếu, kiêm nhiệm; hạ tầng chưa đồng bộ để thực hiện chu trình khép kín từ phân loại đến thu gom, tập kết, xử lý...

Để quy định của Luật BVMT đi vào cuộc sống, tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, đặc biệt là công tác quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đảm bảo lộ trình thực hiện theo quy định của Luật.

Đồng chí Nguyễn Vĩnh An - Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT) cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch BVMT trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật liên quan đến công tác BVMT cho cán bộ, công chức phụ trách môi trường từ tỉnh đến cơ sở, hội viên, đoàn viên và người dân. Hiện tại, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác thải trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại rác, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để các địa phương tham khảo, làm tiền đề nhân rộng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, hướng tới lộ trình phân loại tại nguồn rác thải sinh hoạt theo quy định của Luật.

L.O - V.V