Phú Thọ: Sáng tạo, đổi mới trong công tác Mặt trận

(Mặt trận) -Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, phương thức hoạt động, xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ đã chủ động đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân; lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả để tổ chức thực hiện.

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

 Nhân dân khu 12, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ tham gia vệ sinh môi trường.

Tích cực ứng dụng chuyển đổi số

Dù đã 70 tuổi nhưng ông Hà Hải Thọ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận phố Tân Tiến, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn vẫn sử dụng thành thạo mạng xã hội Facebook, Zalo. Ông thường xuyên chia sẻ, tuyên truyền các nội dung trên trang Fanpage của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện để người dân trong khu nắm được các chủ trương, chính sách mới. Ông cho biết: Từ ngày sử dụng nhóm Zalo, công tác tuyên truyền của cán bộ Mặt trận ở khu dân cư đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi thành lập nhóm Zalo để thông báo hoạt động của khu. Mỗi khi vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm hay huy động đóng góp của người dân, tôi chỉ cần nhắn tin trên nhóm Zalo, rồi từng tổ liên gia cũng có nhóm riêng chứ không phải đến thông báo với từng nhà như trước…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để tuyên truyền đã được MTTQ các cấp tăng cường thực hiện trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, MTTQ tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông của Trung ương, của tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục, xuất bản các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về kết quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực...

Hiện nay, MTTQ các cấp tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua mạng xã hội. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh với 13/13 huyện, thành, thị, trên 65% cấp xã, phường, thị trấn đã sử dụng mạng xã hội (Fanpage, Facebook). Đội ngũ cán bộ Mặt trận trực tiếp phụ trách quản lý các fanpage đã được hướng dẫn để trau dồi kỹ năng viết, đăng bài hiệu quả. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, từ năm 2022 đến nay, fanpage của hệ thống MTTQ các cấp có lượng truy cập gần 11.000 lượt cho các trang từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng chí Đào Thị Tuyết Thanh- Trưởng Ban Tổ chức - Tuyên giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: Ủy ban MTTQ tỉnh đã duy trì và phát huy hiệu quả tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng thời tận dụng ưu thế của mạng xã hội góp phần thực hiện đưa thông tin về cơ sở. Các nội dung thông tin trên Trang thông tin điện tử được đăng tải dưới nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, dễ hiểu, phù hợp với trình độ tiếp nhận của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động của MTTQ đến với người dân và đi vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả.

 Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Từ năm 2015 đến nay, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, MTTQ xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền lồng ghép cho người dân tại các khu dân cư, cán bộ MTTQ xã trực tiếp tới từng khu dân cư vận động người dân tham gia ký kết bảo vệ môi trường. Đồng chí Bùi Văn Hiên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Hộ cho biết: Phú Hộ đã đầu tư xây dựng một điểm tập kết rác thải ở khu 3, 12 điểm chứa các loại vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xây dựng hệ thống cấp thoát nước, lò đốt rác thải tại trạm y tế xã với tổng trị giá gần 60 triệu đồng. Nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được tiêu thoát theo hệ thống cống rãnh chạy dọc đường giao thông với chiều dài 11,5km, đảm bảo không bị tắc nghẽn. Rác thải được phân loại ngay tại khu dân cư, rác thải rắn được Ban công tác Mặt trận khu dân cư hướng dẫn người dân vận chuyển về khu vực tập kết rác thải tại xã Thanh Minh để xử lý; rác thải sinh hoạt được tổ thu gom đưa về điểm tập kết đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường ở các khu dân cư. Việc tập kết, thu gom rác thải ở 14/14 khu dân cư đã trở thành nền nếp, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, tỉ lệ thu gom chất thải sinh hoạt đạt trên 85%.

Tại xã miền núi Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, trước đây hầu hết người dân chưa nhận biết được những nguy hại từ việc vứt rác thải bừa bãi, vệ sinh không đúng nơi quy định. Từ khi triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì Phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường”, MTTQ xã đã thường xuyên chỉ đạo các khu dân cư tổ chức dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khuôn viên cơ quan, phòng làm việc gọn gàng, ngăn nắp… Mỗi khu dân cư đều linh hoạt xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền bảo vệ môi trường, xóa nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn theo quy định, tuyên truyền xây lò đốt rác thải hộ gia đình. Đến nay toàn xã có 87 lò đốt rác hộ gia đình.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, từ năm 2010 đến nay, MTTQ tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương xây dựng, nhân rộng được 17 mô hình tuyên truyền điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; 13/13 huyện, thành, thị đều xây dựng được mô hình điểm về tự quản bảo vệ môi trường. Hàng năm có trên 60% số khu dân cư trên địa bàn tỉnh ký giao ước thi đua “Tự quản bảo vệ môi trường” gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự…

Tại các đơn vị cấp xã có mô hình điểm của tỉnh, của huyện, 100% hộ dân đều ký cam kết “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, xây dựng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở cộng đồng dân cư và bổ sung nội dung này vào hương ước, quy ước của khu dân cư. Tiêu biểu như Đoan Hùng với 28 mô hình; Cẩm Khê 78 mô hình, trong đó có chín mô hình về tự quản bảo vệ môi trường, 69 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Tam Nông, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy hai mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường...

Đồng chí Lương Ngọc Thạch- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết: Thực hiện nghị quyết Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục đoàn kết, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, quyết tâm hành động với sáng tạo mới, đột phá mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Linh Nguyễn