Phú Thọ: Phát huy vai trò thanh tra nhân dân

(Mặt trận) -Trong những năm qua, công tác thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã từng bước phát huy vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân... qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

An Khê: Nhiều công trình, phần việc chào mừng đại hội MTTQ Việt Nam các cấp

MTTQ Việt Nam Gia Huynh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở

Yên Bái phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc trong phát triển kinh tế - xã hội

 Ban GSĐTCĐ xã Hùng Việt thực hiện công tác giám sát tuyến đường liên xã Cát Trù- Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê), góp phần đảm bảo kỹ, mỹ thuật công trình

Xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2017. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban thanh tra nhân dân (BTTND) và Ban giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) đã giám sát các công trình thủy lợi và tuyến đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, chợ. Sau khi thực hiện việc giám sát, BGSĐTCĐ đã đề xuất, kiến nghị trực tiếp với nhà thầu bổ sung thiết kế về chiều dài, khối lượng làm đường giao thông nông thôn đúng theo thiết kế đã được phê duyệt và theo đặc điểm của từng tuyến đường; bổ sung một số hạng mục trong xây dựng nhà văn hóa và giám sát việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo… Đồng chí Phạm Ngọc Kiệm - Chủ tịch MTTQ xã cho biết: “BTTND xã có năm thành viên và cũng là thành viên của BGSĐTCĐ. Các ban đều xây dựng quy chế hoạt động, có sơ kết, tổng kết để tổng hợp các ý kiến, kiến nghị phản ánh của nhân dân… Qua các cuộc giám sát, các ban đã kịp thời phát hiện những sai phạm, thiếu sót để báo cáo, kiến nghị lên các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, khắc phục”.

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 225 BTTND với trên 2.357 thành viên, hầu hết các thành viên của BTTND là thành viên của BGSĐTCĐ. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, BTTND xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, chi tiết trên các lĩnh vực như: Thu, chi, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tham gia giám sát hoạt động của UBND và HĐND cấp xã. Nội dung giám sát tập trung vào việc sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và của nhân dân đóng góp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân…

Sáu tháng đầu năm 2022, BTTND, BGSĐTCĐ đã tiến hành giám sát 304 cuộc về việc giám sát cán bộ, đảng viên đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên và công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hộ về dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” các dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất; chương trình, dự án đầu tư tại địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự toán, quyết toán ngân sách; trình tự thủ tục hành chính liên quan đến Nhân dân; việc sử dụng các khoản quỹ, khoản Nhân dân đóng góp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước… Thông qua các cuộc giám sát, đã có 96 vụ việc kiến nghị xử lý, 59 vụ việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết.

Cùng với việc giám sát, BTTND cũng tuyên truyền người dân hiến đất làm đường giao thông tại xã Hùng Việt (Cẩm Khê) 

Đồng chí Lương Ngọc Thạch- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết: “Thời gian qua, hoạt động của BTTND và BGSĐTCĐ có nhiều chuyển biến tích cực. Bằng tinh thần trách nhiệm giám sát và hậu giám sát, các ban đã phát hiện nhiều công trình vi phạm trong xây dựng về chất lượng, chủng loại vật tư, bớt xén các hạng mục, thi công không đúng với thiết kế kỹ thuật ban đầu; qua đó kiến nghị chính quyền có biện pháp buộc các nhà thầu khắc phục kịp thời”. Kết quả hoạt động của BTTND và BGSĐTCĐ ở các xã, phường, thị trấn đã góp phần hạn chế các sai phạm trong quá trình triển khai thi công các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi vào cuộc sống; đồng thời các nhà thầu, đơn vị thi công cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm trong bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công các công trình. Tuy nhiên, ở không ít địa phương, các ban này còn tồn tại nhiều hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng. Một số thành viên trong ban còn ngại va chạm, các thành viên của ban chưa hiểu rõ trách nhiệm của tổ chức mình với công tác giám sát nên chưa đồng bộ phối hợp cùng MTTQ trong công tác thanh tra, giám sát.

Để các BTTND và BGSĐTCĐ hoạt động hiệu quả, chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện đúng các quy định về vai trò, chức năng của các ban và hỗ trợ kinh phí để các ban hoạt động. MTTQ hướng dẫn việc bầu chọn thành viên các ban bảo đảm dân chủ, khách quan, lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng, có uy tín, trình độ, hiểu biết về lĩnh vực xây dựng cơ bản, có bản lĩnh, không ngại va chạm. Quan tâm hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, các kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho đội ngũ BTTND và BGSĐTCĐ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để họ chủ động, nhiệt tình tham gia vào hoạt động giám sát, qua đó phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

PU-DH