Phụ nữ Sóc Trăng chung tay bảo vệ môi trường với nhiều cách làm hay, hiệu quả

(Mặt trận) -Hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nhiều hoạt động, cách làm hay của Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Sóc Trăng đã trở thành điểm sáng, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, nâng chất lượng cuộc sống...

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Đầu tháng 6/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Tú ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ bảo vệ môi trường” với 30 thành viên, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Theo đó, các thành viên tham gia hoạt động làm sạch môi trường, trồng hoa trên các tuyến đường vào khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, quét dọn, phát quang, thu gom, xử lý rác thải, giữ vệ sinh nơi công cộng, tích cực tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa… Hoạt động tích cực của câu lạc bộ đã góp phần lan tỏa, nâng cao ý thức cho người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

 Các thành viên Tổ Phụ nữ bảo vệ môi trường dọn dẹp, vệ sinh nơi công cộng

Chung tay với các đơn vị, địa phương trong công tác chống rác thải nhựa, tại huyện Thạnh Trị nhiều tổ phụ nữ đã trở thành điểm sáng với các mô hình hay như “Hạn chế rác thải nhựa”, “Biến rác thành tiền”. Điểm chung của các mô hình là hội viên thu gom chai nhựa, đồ dùng nhựa đã qua sử dụng để bán ve chai, gây quỹ hỗ trợ cho các hội viên làm kinh tế phụ hay tổ chức các hoạt động. Ngoài ra, các tổ phụ nữ còn đồng lòng hạn chế sử dụng túi nilon bằng việc chị em mang theo chiếc giỏ đan đát khi đi chợ, thức ăn, rau củ mua được bỏ trực tiếp vào giỏ, không dùng túi nilon. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạnh Trị, vừa qua đơn vị đã tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2023 với các nội dung xoay quanh kiến thức về bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, hiểm họa tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên trong sản xuất, đời sống.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, ngày 15/7 vừa qua, Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Ninh, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề ra mắt tổ phụ nữ “Đổi rác lấy tiền”. Mô hình góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời hỗ trợ cho các hội viên tăng thu nhập từ nguồn quỹ bán phế liệu; Chi hội Phụ nữ ấp Thanh Nhãn 2, xã Thạnh Thới Thuận thành lập tổ phụ nữ “Trồng cây xanh - bảo vệ môi trường” với nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến xây dựng môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp…

Theo thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông bảo vệ môi trường, hướng dẫn xử lý, phân loại rác tại hộ gia đình cho các cán bộ, hội viên. Trong những năm qua, phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động, mô hình ý nghĩa với nhiều tên gọi như: Tổ phụ nữ bảo vệ môi trường, Tổ phụ nữ biến rác thành tiền, Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Câu lạc bộ Phụ nữ nói không với túi nilon, Cụm dân cư 3 sạch, Nhà tôi xanh, sạch, đẹp, Tổ phụ nữ thu gom rác gây quỹ… thu hút gần 67.000 hội viên, phụ nữ tham gia. Hiện toàn tỉnh có 3.959 tổ, nhóm, câu lạc bộ tại 775 chi hội xây dựng và duy trì tốt các mô hình. Bên cạnh thực hiện mô hình hướng đến môi trường, các cấp hội phụ nữ còn tích cực triển khai, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, bảo vệ môi trường”, cập nhật kiến thức, thông tin về Luật Bảo vệ môi trường, tiêu chí nông thôn mới, cách phân loại, thu gom chất thải nhựa tại nguồn, các mô hình tái chế rác…

Có thể nói, phong trào bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa của chị em phụ nữ với những cách làm hay, hiệu quả đã lan tỏa đến mọi người, mọi nhà. Các hoạt động không chỉ góp phần gìn giữ môi trường sống mà còn nâng cao trách nhiệm, ý thức của cộng đồng về môi trường, nâng chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

XUÂN NGUYÊN