Phụ nữ chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những con đường hoa chiều tím, cúc, mười giờ trải dài khoe sắc rực rỡ là thành quả bao công sức vun trồng của phụ nữ xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Trong tiếng cười nói rộn rã, chị em tay cuốc, tay liềm nhanh tay phát cỏ, vun trồng hoa mới. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần đã trở thành thông lệ để các chi hội phụ nữ ra quân chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đường làng ngõ xóm.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp của chị em phụ nữ xã đã góp phần mang lại một diện mạo mới, cuộc sống đổi thay từng ngày cho quê hương. Chị Ma Thị Khoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Thổ Bình cho biết, Hội đã chủ động cùng cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí được phân công phụ trách như tiêu chí nhà ở dân cư, môi trường. Hội tổ chức cuộc thi “Bản em xanh, sạch, đẹp”, thi trồng các tuyến đường hoa, sắp xếp vật dụng gia đình ngăn nắp, gọn gàng, tuyên truyền vận động 10/10 chi hội trồng các tuyến đường hoa, đến nay các tuyến đường hoa đã đạt chiều dài 4.500m”.

 Đường hoa ở thôn Vằng Áng, xã Thổ Bình do Chi hội phụ nữ chăm sóc.

Chi hội phụ nữ thôn Bản Pước có 95 hội viên đã trồng được 200m đường hoa do phụ nữ tự quản. Các thành viên phân công công chăm sóc, có lịch trực đầy đủ. Với mục tiêu mang tới bản sắc quê hương và tạo cảnh quan đẹp, chi hội cũng đã đầu tư trồng 100 cây hoa sim, hiện cây đang phát triển tốt và dự kiến chỉ sau vài tháng nữa, 1 tuyến đường hoa sim sẽ khoe sắc rực rỡ.

Không chỉ góp phần đổi thay diện mạo nông thôn, những người phụ nữ còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương, đi đầu trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị Trịnh Thị Thảo, ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là một người phụ nữ như thế. Chị đã mạnh dạn khởi nghiệp từ ý tưởng sản xuất các vật dụng từ mây, tre, nứa, thành lập HTX Mây tre đan Nhật Minh, đưa các sản phẩm như cốc, thìa, dĩa bằng tre, đũa bằng thân cau... vươn xa đến nhiều tỉnh thành. Chị cho biết, bắt đầu khởi nghiệp, nhiều người trong thôn, trong xã cũng tò mò, thấy mặt hàng ra thì trường có sự thành công nhất định nên nhiều chị em phụ nữ cũng bắt đầu làm theo khá là nhiều, nhờ sự cần cù và khéo léo, những sản phẩm ngày càng hoàn thiện giúp kinh tế của nhiều gia đình ngày càng đi lên.

 Phụ nữ tổ 3, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chủ động phân loại và tái chế rác thải tại gia đình.

Cùng với với việc sôi nổi xây dựng nông thôn mới, phụ nữ Tuyên Quang cũng là những người tiên phong, gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, nhiều chương trình, hoạt động như đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, tái chế rác hữu cơ thành phân bón, tái chế rác thành đồ dùng hữu ích đã ra đời và tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Đồng thời làm thay đổi tư duy của nhiều chị em và lan tỏa đến toàn thể cộng đồng. Chị Lê Thu Hương, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn hào hứng chia sẻ: “Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa là một mối nguy hiểm cho môi trường sống, bản thân tôi cùng cũng như các chị em phụ nữ trong khu dân cư luôn chủ động xử lý rác trước khi đem đổ, chủ động phân loại và tái chế. Nhiều chai nhựa được tận dụng làm chậu cây, trồng rau, trồng hoa làm đẹp cho nhà cửa, từ ngày có thói quen này tôi thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa, cả  gia đình ai cũng thấy yêu ngôi nhà của mình hơn.”

Từ những thành quả đạt được, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng triển khai nhiều công việc để phong trào bảo vệ môi trường ngày càng đi vào chiều sâu. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Tuyên Quang cho biết, để phong trào bảo vệ môi trường ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa thì các cấp Hội Phụ nữ thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường. Hội tích cực tổ chức các hoạt động vì môi trường như vận động chị em trồng, chăm sóc cây xanh, xây dựng mới những tuyến đường hoa, duy trì có hiệu quả phong trào “Sạch môi trường, chống dịch bệnh”, trong các hoạt động, hành động bảo vệ môi trường các cấp hội phụ nữ luôn thực hiện gắn với cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”.

Có thể khẳng định đóng góp và vai trò to lớn của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Bằng tinh thần chủ động, tích cực, qua đôi bàn tay, khối óc của các chị quê hương Tuyên Quang ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh hơn.

Hoàng Minh