Phụ nữ Bắc Giang thi đua làm sạch nhà, đẹp phố

(Mặt trận) -Triển khai Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án), nhiều địa phương đã có cách làm mới, hiệu quả. Nhờ vậy hạn chế tình trạng xả rác thải gây ô nhiễm, góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Nhiều cách làm mới

Năm 2022, huyện Yên Dũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN tỉnh chọn xây dựng điểm mô hình “Phụ nữ sống xanh”. Để triển khai, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị truyền thông, tập huấn về phân loại rác thải, xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa cho 600 thành viên và cách thực hiện. Cùng đó, phối hợp với siêu thị trên địa bàn tổ chức “Ngày hội đi chợ không túi ni lông”, tặng gần 1 nghìn làn, xô nhựa, sọt đựng rác và hàng trăm túi vải trị giá 112 triệu đồng cho hội viên các xã, thị trấn để phân loại rác thải tại nhà, hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ. 

 Lò đốt rác tại gia đình hội viên phụ nữ xã Phú Nhuận (Lục Ngạn).

Nhờ tích cực chỉ đạo, đến nay, huyện đã triển khai được ba mô hình: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và phòng chống rác thải nhựa ở xã Hương Gián; “Phụ nữ sống xanh” tại chợ trung tâm thị trấn Nham Biền và siêu thị. Ngoài ra, UBND huyện Yên Dũng triển khai điểm về xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm thứ cấp (IMO) tại xã Tư Mại. Rác hữu cơ thay vì xả ra môi trường thì nay được các hộ tận dụng, chuyển hoá thành phân bón cây trồng. Nhờ đó, giảm lượng rác thải tự phát ra nơi công cộng, môi trường được cải thiện. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Yên Dũng tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Phụ nữ sống xanh” trong toàn huyện và đẩy mạnh vận động hội viên phân loại và xử lý rác bằng phương pháp IMO.

Ở tổ dân phố Đồng 2, thị trấn Kép (Lạng Giang), cảnh sắc tươi đẹp, không khí trong lành. Dọc đường là hàng cây xanh với những luống hoa chiều tím, ngũ sắc cắt tỉa gọn gàng, đều tăm tắp. Để có được cảnh quan xóm phố đẹp như hiện nay, Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Đồng 2 đã xây dựng mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực thu gom, phân loại, đổ rác đúng nơi quy định gắn với tiết kiệm, tham gia xây dựng đô thị văn minh”. 

Bà An Thị Tuyết, Chi hội trưởng cho biết: “Muốn đường phố, ngõ xóm phong quang, đẹp đẽ thì từng nhà đều phải sạch, không có rác thải tồn lưu. Với vai trò nòng cốt, hội viên phụ nữ tổ dân phố cùng các tổ chức chính trị xã hội cơ sở đã xây dựng quy ước thu gom, xử lý rác thải tại khu dân cư và họp nhân dân để thống nhất, vận động 100% hộ ký cam kết thực hiện”. Nhờ đó, Đề án được triển khai đồng bộ, người dân tích cực hưởng ứng. Tất cả các hộ đều có dụng cụ phân loại rác. 

Ngoài ra, bà con còn đóng góp kinh phí làm tủ lưới sắt đặt tại nhà văn hoá làm điểm tiếp nhận rác tái chế tập trung, không tích trữ tại nhà nhiều ngày như trước đây. Với hiệu quả thiết thực đó, thị trấn Kép đã nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn với 509 hộ tham gia. Khi triển khai, UBND thị trấn đã quan tâm hỗ trợ các tổ gần 20 triệu đồng trồng đường hoa.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực như: “Biến rác thải thành xe đạp và đồ dùng học tập”, “Thu gom rác thải tái chế biến thành hạt gạo tình thương”, “Tiết kiệm xanh”; phân loại, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật và ngôi nhà “Thu gom phân loại rác tái chế” ở huyện Lục Ngạn; Hội LHPN huyện Lục Nam xây dựng gia đình hội viên xanh tại xã Bảo Đài...

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách được các cấp, các ngành quan tâm. Các mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy vậy hiện nay vẫn còn một số hộ chưa có thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Việc xử lý rác hữu cơ theo phương pháp IMO để làm phân bón chưa được phổ biến rộng rãi do phải mua chế phẩm. Một số xã, thị trấn chưa quan tâm đến việc nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường nên chưa có sự hỗ trợ, khuyến khích.

Năm 2022, Hội Phụ nữ các cấp đã thu gom 812 tấn rác thải; phân loại, bán phế liệu gây quỹ mua hơn 800 xe đạp, 1 nghìn suất quà, phương tiện sinh kế tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo và phối hợp xây dựng gần 28 nghìn lò đốt rác, bể chứa, hố xử lý rác hữu cơ tự hủy.

Bà Nguỵ Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cho biết: “Vừa qua, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các huyện, TP tổ chức hội nghị toạ đàm về “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định” tại các xã điểm nhằm đánh giá kết quả và tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Trước đó, Hội LHPN tỉnh tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án tại cơ sở và làm việc với các ngành liên quan, Hội LHPN 10 huyện, TP để đánh giá kết quả bước đầu”. 

Đồng thời Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo hội cấp dưới tổ chức kiểm tra tại các xã, thị trấn để đánh giá, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở, tích cực tham mưu với chính quyền các cấp về kinh phí thực hiện Đề án và duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình điểm tại địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Hội cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Ngọc Anh