Phát huy vai trò đoàn thể trong bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, ra quân thường xuyên hằng năm theo lịch trình, ngành Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Lâm Đồng trong nhiều năm nay còn chú trọng phát huy vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ môi trường.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

CHO MỘT ĐÀ LẠT SẠCH, ĐẸP

Một trong những đơn vị tích cực đi đầu trong giữ gìn TP Đà Lạt “xanh, sạch, đẹp”, bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhiều năm nay chính là Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Lạt. Đây chính là đơn vị chủ trì Hội thi “Xanh, sạch, đẹp” - một hội thi rất độc đáo mà TP Đà Lạt duy trì trong nhiều năm nay. Đến năm 2022 là cuộc thi thứ 17. 

 Ra quân “Ngày Chủ nhật xanh vì môi trường” tại Đà Lạt

Theo bà Phạm Thị Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Lạt, thành phố đã đưa hoạt động giữ gìn vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường thành một trong những nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, là tiêu chí trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, khu dân cư văn hoá, gia đình đạt chuẩn văn hóa, trường học văn hóa để kiểm tra, bình xét công nhận hàng năm tại thành phố. 

Đến nay, Mặt trận cơ sở các xã, phường trên địa bàn Đà Lạt luôn tích cực tuyên truyền, vận động khu dân cư, hộ gia đình, cơ sở tôn giáo tham gia Hội thi “Xanh, sạch, đẹp” hằng năm, xây dựng các “tuyến đường không rác”,“khu dân cư không rác”, ra quân ngày “Chủ nhật xanh vì môi trường”, trồng hoa, trồng cây xanh, cây phân tán trên địa bàn. 

Cùng với đó, nhiều đoàn thể thành phố cũng vào cuộc tích cực trong các hoạt động BVMT. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Lạt lâu nay đã tích cực vận động các cấp hội cơ sở xây dựng Mô hình “Phụ nữ sống xanh” tại cơ sở, vận động sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, dùng túi sinh thái hoặc làn khi đi chợ; tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình, tận dụng rác hữu cơ tái chế làm phân vi sinh sử dụng bón cây trong gia đình, giảm lượng rác thải ra môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh, xây dựng đường hoa, tham gia ra quân dọn vệ sinh chung trong khu vực mình sinh sống.

Còn Hội Nông dân TP Đà Lạt trong năm 2022 đã tiến hành đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng tại 14/14 đơn vị Hội Nông dân các phường, xã trên địa bàn, thu hút trên 400 lượt nông dân tham gia, thu gom được 5.740 kg bao bì, đổi hàng ngàn phần quà trị giá 150 triệu đồng.

Thống kê của ngành chức năng Đà Lạt cho biết, trong năm 2022, tổng cộng các phường, xã, đơn vị, cơ quan, trường học trên địa bàn đã tổ chức 512 buổi ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”, với trên 24.150 lượt người tham gia; thu gom 531 m3 rác; ra quân trồng cây xanh, cây phân tán 117 buổi với trên 8.850 lượt người, trồng được trên 516.200 cây, treo trên 27.700 giỏ hoa, lẵng hoa trị giá hợn 1,3 tỉ đồng từ nguồn vận động Nhân dân đóng góp để làm đẹp cho TP Đà Lạt. 

 LIÊN TỊCH VỚI CÁC ĐOÀN THỂ

Theo bà Nguyễn Khánh Ngân - Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TNMT Lâm Đồng, bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) và các văn bản dưới luật, ngành luôn hướng đến việc phát huy vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong BVMT.

Như trong năm 2022 vừa qua, Chi cục Môi trường đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tập huấn và triển khai Mô hình Cựu chiến binh vận động thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và phân loại rác tại huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng. Sở TNMT cũng phối hợp với Hội Phụ nữ các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Cát Tiên để tập huấn, triển khai mô hình phân loại rác và thực hiện chương trình đổi rác thải lấy quà tặng.

Tại huyện Bảo Lâm và huyện Cát Tiên, ngành đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tập huấn và tuyên truyền thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hỗ trợ mỗi huyện 30 thùng chứa chất thải nguy hại và 100 kg bao bì đựng chất thải nguy hại để triển khai chương trình.

Tại huyện Lâm Hà, Sở TNMT hỗ trợ 35 thùng chứa phân loại rác cho Hội Phụ nữ huyện và cho Ủy ban MTTQ huyện để triển khai các chương trình phân loại rác. Tại huyện Đam Rông, ngành hỗ trợ 20 thùng chứa phân loại rác cho Phòng TNMT huyện triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Đoàn Thanh niên Sở TNMT cũng tổ chức các hoạt động BVMT, phòng, chống biến đổi khí hậu cho người dân và học sinh trên địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. 

Tại Đà Lạt, Sở TNMT phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường thí điểm Mô hình Phân loại rác tại nguồn tại Phường 2; phối hợp với xã Trạm Hành tập huấn tuyên truyền Luật BVMT năm 2020 và hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn xã cách thức phân loại rác thải tại nguồn.

Trong năm 2022, sở cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Lâm Đồng tổ chức tập huấn truyền thông về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa và tổng kết Mô hình “Phụ nữ sống xanh”; phối hợp với TP Bảo Lộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022; phối hợp với Sở Công thương tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan đến hoạt động BVMT cho các doanh nghiệp ngành Công thương; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định BVMT cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bà Ngân cho biết, tùy theo đặc thù các đoàn thể để ngành hướng các hoạt động BVMT vào những trọng tâm. Như với Hội Phụ nữ, ngành TNMT sẽ tập trung chính vào việc vận động phân loại rác thải tại nguồn; với Hội Nông dân là việc thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng; với Hội Cựu chiến binh là bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường chung; với Ủy ban Mặt trận các cấp là việc vận động chung người dân trong đó có các tổ chức tôn giáo cùng tham gia gìn giữ môi trường; với Đoàn Thanh niên là vận động học sinh, sinh viên trong trường học chung tay BVMT... Không chỉ ở cấp tỉnh với các hoạt động ở thành phố, trung tâm huyện mà ngành còn phối hợp với cấp huyện và cả cấp xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. 

Cho đến nay, hằng năm, ngành TNMT đều có các ký kết liên tịch với các đoàn thể với rất nhiều hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các ngày kỷ niệm như “Ngày nước thế giới”, “Ngày khí tượng thế giới”, “Ngày môi trường thế giới”. “ Nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường tại các huyện, thành trong tỉnh hiện còn khá khiêm tốn nên sự phối hợp của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội là rất quan trọng và đến nay rất hiệu quả”, bà Ngân cho biết. 

V.V