Phát huy hiệu quả mô hình tự quản khu dân cư

(Mặt trận) -Những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp cùng với đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng nhiều mô hình tự quản ở cơ sở. Các mô hình được thành lập đã phát huy tối đa tính tích cực, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Xây dựng những khu dân cư tự quản, ấm no, hạnh phúc ở tỉnh Phú Thọ

 Phụ nữ thôn 5, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) trồng hoa trên tuyến đường tự quản.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có 3.376 mô hình tự quản. Trong đó có 616 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 469 mô hình về lĩnh vực an ninh trật tự; 1.543 mô hình về lĩnh vực bảo vệ môi trường; 559 mô hình lĩnh vực văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh và 189 mô hình khác. Các tổ tự quản được thành lập đúng quy chế, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện, tập quán của từng khu dân cư. Từ đó, giúp phát huy tốt nhất tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân trong việc tham gia thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ năm 2017 đến nay, huyện Chiêm Hóa đã thành lập được 49 mô hình tự quản được triển khai thực hiện tại 460 tổ, nhóm khu dân cư. Theo đồng chí Triệu Đức Long, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, dựa vào điều kiện, tình hình thực tế tại các khu dân cư, nhiều mô hình tự quản đã được thành lập như tổ quản lý và bảo vệ rừng, tổ phòng chống bạo lực gia đình, tổ tự quản an ninh trật tự… Đặc biệt, các mô hình tổ tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống rác thải nhựa thu hút đông đảo bà con nhân dân tham gia. Thông qua các mô hình, nhiều địa phương đã phát huy được tinh thần tích cực, chủ động trong việc giữ gìn an ninh trật tự; ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ngày một nâng cao.

 Tổ tự quản thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) vệ sinh môi trường.

Trung Trực là một trong những xã khó khăn của huyện Yên Sơn với trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,7%. Nhằm phát huy tinh thần tự chủ, tự giác, nâng cao trách nhiệm của từng công dân với cộng đồng, Ủy ban MTTQ xã đã vận động và hướng dẫn thành lập được 18 tổ tự quản tại khu dân cư. Trong đó có 5 tổ tự quản về bảo vệ môi trường, 5 tổ phòng chống rác thải và rác thải nhựa, 3 tổ tự quản xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp, 3 tổ tự quản thắp sáng đường quê, 1 tổ giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, 1 tổ tự quản an ninh trật tự. Đồng chí Trương Thị Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết, các tổ tự quản đã phát huy vai trò trong việc ra quân vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên nhà ở; tăng cường tuyên truyền, rà soát tình hình an ninh trật tự; tổ chức tập luyện và duy trì đội đàn Tính, hát Then… Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ xã tiếp tục phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn các khu dân cư thành lập thêm các tổ, nhóm tự quản trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Minh, tổ trưởng tổ tự quản về bảo vệ môi trường thôn 3, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) nói, tháng 7-2020, mô hình tự quản được thành lập nhằm hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Từ khi thành lập đến nay, tổ tự quản đã tổ chức thu gom, phân loại được 5 tạ nhựa. Cùng với đó tổ chức các buổi tuyên truyền cho hội viên, bà con nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phân loại rác thải, cách xử lý rác hữu cơ và vô cơ từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân và gia đình.

Những mô hình tự quản ở khu dân cư đã phát huy được tính hiệu quả, tích cực, góp phần vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống mới văn minh. Từ đó nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự xã hội.       

Thùy Lê