Phát huy các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư xã Cam Thành

(Mặt trận) -Cam Thành là một xã nằm về phía Tây huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị địa bàn trải dọc theo Quốc lộ 9 với 16 khu dân cư, địa hình phức tạp, dân cư phân bổ không đều nên việc đi lại khó khăn. Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã tích cực tuyên truyền, vận động khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Lễ phát động triển khai mô hình Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, công tác triển khai thực hiện các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư luôn được cấp ủy, chính quyền xã Cam Thành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc vận động, triển khai và thực hiện các văn bản của tỉnh, huyện, xã đến từng khu dân cư.

Trong những năm qua, hoạt động của các Ban công tác Mặt trận và đoàn thể ở khu dân cư đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương; vận động Nhân dân chấp hành và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp quần chúng vào các tổ chức xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư; thực hiện có hiệu quả pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; phát động và thực hiện có kết quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn.

Việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện. Qua đó, đã nâng cao tinh thần đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng- xanh-sạch- đẹp, thực sự trở thành những miền quê đáng sống. Hiện nay, toàn xã Cam Thành có trên 25 mô hình tự quản trên các lĩnh vực: Kinh tế; an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; nếp sống văn hóa văn minh hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiêu biểu là mô hình nuôi dê nhốt tại thôn Tân Xuân 1, Tân Xuân 2, Tân Phú; hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững bằng hình thức hỗ trợ con giống cho hội viên nghèo; mô hình mỗi gia đình hội viên có một hố rác hợp vệ sinh, phân loại và xử lý rác thải, mô hình phụ nữ đi chợ dùng giỏ để hạn chế sử dụng túi nilon nhằm bảo vệ môi trường; mô hình “những con đường hoa” đoạn đường phụ nữ tự quản của Hội Phụ nữ xã; “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên xã…

Đối với các mô hình phát triển kinh tế, điển hình như trang trại chăn nuôi gà của bà Trần Thị Phúc ở Tân Xuân 1, chăn nuôi dê của ông Nguyễn Hoài ở Tân Xuân 1, trồng cây ăn quả của ông Lê Đa Sinh và ông Trần Liểm ở thôn Tân Phú, mô hình tiết kiệm- tín dụng do các chi, tổ tiết kiệm vay vốn, nhóm phụ nữ góp vốn xoay vòng. Hầu hết các mô hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập...

Các mô hình liên gia tự quản về an ninh trật tự, các điểm trình báo tạm trú, tạm vắng, các mô hìnhvề công tác đảm bảo an ninh trật tự, tiêu biểu như: Mô hình “Họ tộc không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, “Tổ liên kết về an ninh trật tự”, “ Câu lạc bộ bảo vệ tài sản ngoài trời”... đã hoạt động tích cực, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Đối với việc bảo vệ môi trường, xã đã xây dựng và duy trì có hiệu quả 13 tổ tự quản về môi trường, trong đó nhiều thôn đã xây dựng các tổ thu gom rác thải, đoạn đường hoa tự quản, duy trì “Ngày Chủ nhật xanh”.

Trên lĩnh vực văn hóa, có 16/16 khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước làng văn hoá, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó người dân đã tự giác, nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh, từ việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ý thức xây dựng nếp sống thân thiện trong giao tiếp ứng xử.

Đặc biệt là việc phát huy tinh thần tự quản từ nhà ra ngõ. Các gia đình trong các thôn đã giáo dục, quản lý, vận động các thành viên thực hiện nghiêm các quy định, hương ước của làng, đề cao tinh thần tự giác xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày càng tốt đẹp.

Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền tuyên truyền xây dựng các mô hình “Tự quản về an ninh trật tự”, “Tự quản về bảo vệ môi trường”, “Tự quản về nếp sống văn minh”, các thôn hiện nay đều có hình thức tự quản theo địa vực. Đây là tổ chức liên gia tự quản, nơi thể hiện rõ nhất, thường xuyên và trực tiếp nhất các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư như giúp nhau trong sản xuất, cùng nhau bảo vệ trị an, làm vệ sinh môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng trong xóm, tổ. Các gia đình trực tiếp, thường xuyên giúp nhau trong sản xuất như hỗ trợ nhân lực lao động lúc vào vụ, thu hoạch; mượn nhau công cụ sản xuất khi chưa kịp sắm, sửa; trao đổi, hướng dẫn nhau về kỹ thuật canh tác, giúp nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống hằng ngày, khi có công việc lớn như dựng nhà, tổ chức đám cưới, đám tang. Phát hiện, góp ý cho láng giềng bảo ban con em giữ gìn nền nếp, đạo đức, chăm chỉ học tập, phòng tránh tệ nạn. Xóm, tổ tự quản tốt đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác dân vận khi triển khai các cuộc vận động, các phong trào tại thôn.

Sau một thời gian triển khai, đến nay các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư xã Cam Thành đã hoạt động có hiệu quả, đúng theo quy chế đã xây dựng. Người dân đều nhận thấy việc xây dựng mô hình tự quản đã đem lại lợi ích thiết thực, góp phần tích cực trong việc phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã.

T.L