Nông Cống làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

(Mặt trận) -Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa luôn được quan tâm chú trọng. Nhờ đó những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, ổn định an ninh trật tự tại địa phương, Nhân dân an tâm lao động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Tổ hòa giải thôn Thành Liên, xã Trường Sơn gặp gỡ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân trong thôn. 

Nhận thức vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, phòng tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện Nông Cống ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày... đã được các thành viên tổ hòa giải ở các thôn, khu dân cư phối hợp cùng cán bộ các xã, thị trấn phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động Nhân dân, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Ông Nguyễn Sỹ Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thành Liên, xã Trường Sơn, chia sẻ: “Trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, tổ hòa giải giao cho tổ an ninh xã hội đi xác minh, nắm rõ nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn để các thành viên trong tổ nắm rõ, cùng thảo luận, phân tích và vận động, thuyết phục 2 bên đương sự đạt được thỏa thuận, tự nguyện, đảm bảo tính khách quan, công tâm để tháo gỡ nút thắt giữa đôi bên một cách thỏa đáng và cố gắng tổ chức hòa giải thành ngay tại thôn. Chỉ trừ trường hợp vụ việc tranh chấp quá phức tạp, vượt thẩm quyền của cấp cơ sở thì mới chuyển lên cấp trên để giải quyết”.

Những vụ việc hòa giải thành công mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần đoàn kết, ổn định chính trị, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Hằng năm, phòng tư pháp hướng dẫn công tác rà soát, củng cố và kiện toàn các tổ hòa giải, hòa giải viên (HGV) đảm bảo theo quy định. Hiện nay, toàn huyện có 201 tổ hòa giải tại 201 thôn, khu phố với 1.005 HGV; số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 HGV. Hầu hết các HGV là những người có uy tín, có bản lĩnh chính trị, có năng lực và có kiến thức về pháp luật được bầu tham gia tổ hòa giải. Để nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ HGV, hàng năm phòng tư pháp huyện tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các HGV. Nội dung tập trung vào những vấn đề sát với thực tế cơ sở như: hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, vụ việc dân sự nhỏ; đồng thời, xây dựng và triển khai các mô hình hay, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện như: “Nhóm nòng cốt” trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; “Tổ hòa giải điểm” hỗ trợ thu thập, xác minh thông tin, hướng dẫn quy trình hòa giải; “Tổ hòa giải kiểu mẫu”... Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các HGV có nhiều cố gắng, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn trong những năm qua ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải, HGV trên địa bàn huyện đã tiến hành thụ lý hòa giải 1.914 vụ việc (trong đó tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%).

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Nông Cống Lê Văn Hạnh, cho biết: “Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Nông Cống luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời và có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, nhiệt huyết và trách nhiệm của đội ngũ HGV ở cơ sở; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Nông Cống đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tạo được hiệu ứng lan tỏa trên địa bàn, góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng phức tạp. Do đó đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên. Vì vậy, thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật cho HGV; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi HGV giỏi; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ hòa giải và HGV, các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở...”.

Công Quang