Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau

(Mặt trận) -Nhiều hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất, sửa chữa và xây dựng nhà ở, hàng nghìn đối tượng được trợ cấp thường xuyên… là kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thực hiện trong thời gian qua. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để giúp các hộ nghèo vơi bớt khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Thời gian qua, huyện Đại Từ đã vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác giảm nghèo. Cục Thi hành án dân sự tỉnh trao hỗ trợ cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị, ở xóm Đồng Phú, xã Cát Nê (Đại từ) theo chương trình hỗ trợ nâng cao mức sống cho hộ gia đình nghèo có thành viên là người có công.

Tháng 10-2021, căn nhà Đại đoàn kết của gia đình bà Khăm Pa Văn (sinh năm 1938) và ông Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1932), ở xóm Đồng Măng, xã Yên Lãng chính thức hoàn thiện. Trong đó, gia đình ông bà được huyện Đại Từ hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Ngắm nhìn ngôi nhà khang trang, còn thơm mùi sơn mới, nụ cười hiếm hoi xuất hiện trên gương mặt lam lũ của ông Khánh: Nhờ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, gia đình tôi có thêm động lực để xây được ngôi nhà kiên cố. Từ số tiền được hỗ trợ và vay mượn thêm, ngôi nhà rộng hơn 50m2, lợp tôn lạnh đã hoàn thành sau gần 2 tháng thi công. Vậy là ước mơ lớn nhất của đời tôi giờ đã thành sự thật, 2 ông bà già không còn thấp thỏm lo nhà dột mỗi khi trời mưa.

Giống như gia đình ông Khánh, nỗi lo về nhà ở đã vơi bớt với nhiều hộ nghèo khi được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa lại ngôi nhà đã cũ nát, không đảm bảo an toàn. Tính riêng trong năm 2021, toàn huyện Đại Từ có gần 100 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Đại Từ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Đại Từ tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Trên thực tế, phần lớn hộ nghèo còn lại trên địa bàn huyện Đại Từ còn “mắc” ở tiêu chí thu nhập. Do vậy, bên cạnh chung tay hỗ trợ người nghèo “an cư” thì việc “trao cần câu” giúp họ có sinh kế ổn định được xem là giải pháp thiết thực nhằm giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2016-2020, huyện Đại Từ đã thực hiện hỗ trợ trên 22,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí trên 19,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 700 triệu đồng, còn lại do nhân dân đối ứng.

Từ đây, gần 6.000 hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ con giống, phân bón, máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản nông sản; trên 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia các mô hình giảm nghèo… Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cũng chủ động phát động các phong trào thi đua sản xuất, trực tiếp giúp đỡ hội viên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các chương trình an sinh xã hội và hoạt động chăm lo cho người nghèo cũng được huyện thực hiện thường xuyên. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên và cứu trợ đột xuất cho các gia đình bị hỏa hoạn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo...

Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đại Từ liên tục giảm qua các năm. Nếu như tổng số hộ nghèo của huyện đầu năm 2016 là 8.200 hộ, chiếm 16,64% thì tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,12% (vượt 83,3% kế hoạch tỉnh giao); 100% hộ nghèo có thành viên là người có công được hỗ trợ thoát nghèo.

Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, nhiều hộ vốn đã nghèo nay càng thêm khó. Mặt khác, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước không còn do một số xã trên địa bàn huyện đã ra khỏi danh sách các xã khu vực II (xã còn khó khăn), khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, huyện đã rất nỗ lực trong công tác giảm nghèo, giúp người dân địa phương vơi bớt khó khăn.

Cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm, các hoạt động hỗ trợ của huyện đã góp phần tạo động lực giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện trong việc triển khai hoạt động để giúp đỡ các hộ còn khó khăn, trong đó, tập trung hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho người nghèo, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Giai đoạn 2022-2025, huyện Đại Từ phấn đấu mỗi năm giảm 1,2% hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều.

Thu Huyền