Những tấm gương nỗ lực thoát nghèo ở tỉnh An Giang

(Mặt trận) -Từng quay quắt trong cái nghèo với nỗi lo cơm áo hàng ngày, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, cùng nỗ lực bản thân, họ đã vượt qua khó khăn, cuộc sống khấm khá hơn.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Chí thú làm ăn

Đến thăm nhà ông Chau Khchon (ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) giữa trưa nắng, vẫn thấy nụ cười tươi tắn của gia chủ. Trong căn nhà khang trang, Chau Khchon không giấu được niềm vui: “Trước kia, nhà tui nghèo lắm! Phải lo cái ăn hàng ngày, nhà cửa thì lụp xụp, tuổi tác ngày một lớn. Con cái thương nhưng chúng nó cũng nghèo, đi làm ăn xa, nên không giúp được cha mẹ. Lúc đó, tui nghĩ có lẽ mình sẽ nghèo hoài không thoát ra được. Nhưng được Nhà nước cho vay vốn nuôi bò, cất nhà Đồng đội, nên đời sống tui giờ đỡ hơn rất nhiều”.

 Gia đình Chau Khchon chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo

Chau Khchon luôn khẳng định sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương chính là động lực để gia đình vươn lên. Trong đôi mắt hằn dấu thời gian của ông lão dân tộc thiểu số Khmer này ánh lên niềm vui. Bởi sau bao năm tháng vất vả, ông đã có cho mình một mái ấm khang trang. Nguồn thu từ trồng lúa, nuôi bò giúp Chau Khchon từng bước đưa gia đình vượt qua khó khăn.

“Được chính quyền quan tâm, hỗ trợ nhiều chính sách nên đời sống tui đỡ hơn. Tui hay nói với bà con trong phum, sóc, nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì gia đình tui khổ lắm, nên bà con nên tin theo Đảng, ủng hộ chủ trương của địa phương. Nếu cố gắng, bà con sẽ vươn lên thoát nghèo như gia đình tui” - Chau Khchon thật tình.

Bước ra hè nhà, Chau Khchon khoe 3 con bò được nuôi trong chuồng. Khoảng 18 tháng, ông xuất bán một lứa bò con. Đây được xem là nguồn tích lũy cho gia đình, trong khi đồng lời từ trồng lúa trang trải chi phí hàng ngày. Nhờ chí thú làm ăn, đời sống gia đình Chau Khchon đã có dư. Do đó, ông được địa phương xét đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Văn Giáo.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Giáo Nguyễn Thị Bích Tuyền thông tin: “Hộ ông Chau Khchon là điển hình cho tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Để hỗ trợ gia đình ông, chúng tôi vận dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng sự siêng năng, chăm làm đã giúp gia đình ông Chau Khchon thoát nghèo, trở thành tấm gương để hộ nghèo địa phương noi theo”.

Xung phong trả sổ hộ nghèo

Cũng từng là hộ nghèo, phải nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ thường xuyên, nhưng nay anh Huỳnh Tánh Kinh (ngụ ấp Văn Trà, xã Văn Giáo) chính thức thoát nghèo. Điểm đặc biệt của nông dân này chính là anh tự tìm đến UBND xã, xin “trả lại” sổ hộ nghèo, vật được xem là “bùa hộ mạng” của những gia đình khó khăn.

Bằng giọng xởi lởi, chân thật của nông dân, anh Kinh chia sẻ: “Trước kia, tui sống bằng nghề ai kêu gì làm nấy, thu nhập chưa tới 100.000 đồng/ngày. Dù cố gắng, nhưng gia đình cứ đói liên miên. Lúc đó, địa phương cấp sổ hộ nghèo, trong nhà cũng đỡ phần lo. Mẹ tui (bà Phạm Thị Châm) đã 87 tuổi, già yếu, khó khăn càng chồng chất. Nhưng vợ chồng tui đồng lòng, cộng với việc được địa phương hỗ trợ bình xịt thuốc, dụng cụ sạ phân nên nhất định vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình anh Kinh xin trả lại sổ hộ nghèo

Nhờ nỗ lực canh tác, cộng với lúa tăng giá, anh Kinh thu được lợi nhuận khá từ vụ sản xuất đầu tiên. Tiếp tục phát huy, anh thuê 80 công đất ở huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) để sản xuất lúa. Được mùa, đời sống gia đình anh dần khấm khá lên. Khi điều kiện sống ổn định, anh quyết định đem sổ hộ nghèo trả cho UBND xã Văn Giáo. Anh Kinh thiệt lòng: “Đời sống đỡ hơn thì nên trả sổ hộ nghèo. Xung quanh đâu chỉ có mình khổ, nhiều người còn vất vả hơn. Tui biết, khi trả sổ thì không còn được hỗ trợ chính sách, nhưng mình còn sức lao động, có điều kiện làm ăn thì bấu víu vào sổ hộ nghèo làm gì. Mình sống ở đời thì phải cố vươn lên, đâu thể giữ khư khư chữ “nghèo” hoài được!”.

Căn nhà của anh Kinh dù chưa thật sự khang trang, nhưng đã thấy xuất hiện tiện nghi cần thiết. Anh đang ấp ủ mong ước cất căn nhà mới để vợ con, nhất là người mẹ già, được tận hưởng cuộc sống đủ đầy hơn. Anh còn hy vọng được Nhà nước hỗ trợ vốn để phát triển chăn nuôi, tiếp tục mục tiêu vươn lên thành hộ khấm khá tại địa phương.

“Chúng tôi đang đề xuất Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND TX. Tịnh Biên khen thưởng đột xuất, bởi anh đã chủ động trả lại sổ hộ nghèo. Đây là điển hình tiêu biểu cho khát vọng vươn lên, không vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo chung của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ông Chau Khchon và anh Kinh khi có điều kiện, giúp họ thực hiện ước mơ thoát nghèo bền vững” - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Giáo Nguyễn Thị Bích Tuyền xác định.

THANH TIẾN